Một trong hai người gởi thiệp mời cho tôi là cô bạn thân thời đại học. Bạn chỉ có mỗi một cô con gái, học rất giỏi ở trường chuyên của tỉnh. Tốt nghiệp đại học, cô bé làm việc cho chi nhánh tại Việt Nam của một công ty nước ngoài. Chỉ sau một thời gian ngắn, cháu được tuyển chọn qua làm việc cho công ty mẹ ở châu Âu.
Cháu có bạn trai là đồng nghiệp người bản địa và cả hai quyết định tiến tới hôn nhân. Vợ chồng bạn tôi đã bay qua châu Âu dự lễ cưới của con. Giờ đôi trẻ sắp về Việt Nam và một tiệc cưới sẽ được tổ chức ở quê nhà để ra mắt họ hàng, bạn bè của ba mẹ và của mình.
Con gái là niềm tự hào của gia đình nên bạn tôi cũng muốn có một tiệc cưới "sao cho coi được". Công việc khó và nhạy cảm nhất có lẽ là lên danh sách khách mời. Khách của con gái thì không bao nhiêu nhưng khách của mẹ rất nhiều, do bạn tôi làm việc trong ngành truyền thông, với các mối quan hệ rộng. Để gởi toàn bộ số thiệp, bạn mất vài ngày phóng xe máy cả sáng lẫn chiều đến lần lượt các nơi làm việc và nhà ở của khách. Với những người cầu kỳ, bạn còn phải gọi điện hẹn trước.
Tôi hỏi bạn sao không thử làm một cuộc "cách mạng" trong việc mời tiệc cưới bằng cách áp dụng công nghệ số đơn giản: thiết kế thiệp điện tử, gởi kèm theo tin nhắn qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Messenger, WhatsApp... được cài đặt trên điện thoại di động. Trên thiệp mời điện tử, ngoài những thông tin thông thường, in luôn số tài khoản ngân hàng của chủ nhân. Chỉ cần in một số thiệp giấy dành riêng cho những người họ hàng cao tuổi không dùng điện thoại thông minh.
Nhưng một người làm trong nghề truyền thông, phụ trách mạng xã hội suốt nhiều năm như bạn tôi vẫn chưa đủ bản lĩnh để làm cuộc "cách mạng" như tôi nói. Cô sợ họ hàng nói ra, nói vào, sợ bị trách móc không giữ nề nếp, truyền thống văn hóa, sợ bị cho là thương mại hóa lễ cưới của con...
Với nhiều người Việt, thực hiện một cuộc thay đổi như thế là không dễ dàng.
Nhưng tôi cũng đã thử làm một cuộc khảo sát nho nhỏ trong nhóm bạn đại học, khoảng 20 người, cùng là khách mời của cô bạn cho buổi tiệc cưới nói trên. Tất cả đều ủng hộ và đồng ý với cách thay đổi, từ thói quen truyền thống sang áp dụng công nghệ số.
Nhiều người trẻ và những người dễ hòa nhập vào thời đại công nghệ tin rằng thay đổi đó chắc chắn sẽ mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm tiền bạc và thời gian cho cả đôi bên, chủ tiệc cưới và khách mời.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, vào tháng 1/2023, Việt Nam có 91,3 triệu thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) và tính đến nay có thêm hơn hai triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao dùng smartphone tại Việt Nam lên 93,5 triệu và ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%.
Với số người sử dụng điện thoại phổ biến và nhiều như thế, người Việt hoàn toàn có thể tận dụng tối đa các tiện ích công nghệ số mang lại cho cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả cách thức mời dự tiệc cưới. Một lượng lớn thiệp mời được in ra trong năm nhưng chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ, trở thành rác thải. Thiệp mời điện tử gởi đi thông qua các ứng dụng mạng xã hội, đảm bảo nhanh chóng đến tận tay người được mời. Tôi đã vài lần không thể nhớ mình đã cẩn thận cất kỹ tấm thiệp ở đâu, phải lục tung cả bàn làm việc ở nhà và ở văn phòng mới tìm thấy địa chỉ dự tiệc. Với công nghệ số, chỉ cần ghim tin nhắn có kèm theo thiệp mời điện tử là có thể yên tâm không sợ bị để lẫn lộn đâu đó.
Văn hóa chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể hiện tại gần như đã quy hết về một hình thức duy nhất: tiền mặt. Khách đến lần lượt bỏ những chiếc phong bì đựng tiền mừng vào một chiếc thùng được bố trí để sẵn ngay bàn tiếp khách. Chiếc thùng ấy cực kỳ quan trọng về mặt hỗ trợ tài chính cho cô dâu chú rể sau lễ cưới nên luôn được canh giữ cẩn trọng. Vậy mà cũng đã xảy ra những chuyện hết sức bi hài khi chiếc thùng đựng tiền mừng đã không cánh mà bay, khiến đôi trẻ chỉ còn biết ôm nhau khóc trong đêm tân hôn.
Tiền mừng tiệc cưới vốn không phải là giao dịch mang tính thương mại, nhưng về hình thức, việc trao tặng "một chiều" này cũng không khác gì các loại giao dịch khác. Vậy sao không thể thay đổi từ văn hóa "phong bì" truyền thống sang chúc mừng bằng hình thức không tiền mặt? An toàn, tiện lợi về cả vật chất và tiết kiệm thời gian.
Hiện tại các giao dịch không tiền mặt đang được khuyến khích cho mọi công dân đã trưởng thành. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối năm 2023, giao dịch không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 triệu tỷ, tăng gần 50% so với 2022. Các kênh giao dịch không tiền mặt hiện nay khá phong phú, bao gồm internet, điện thoại di động, phương thức QR code, ATM... Giao dịch qua tài khoản trực tuyến và thẻ tín dụng cũng đang tăng dần phổ biến.
Thời đại thay đổi, những hình thức giao tiếp mới sẽ ra đời thay thế dần truyền thống cũ, trong đó có cả cách thức mời nhau dự tiệc cưới.
Hà Đức Trí