Đối với hàng trăm hộ nghèo tại Bastrop, ngoại ô thành phố Austin, bang Texas, Mỹ, Norma Mercado là người cung cấp thực phẩm, quần áo, phương tiện đi lại và tư vấn tâm lý, trong nỗ lực giúp các học sinh vô gia cư đến trường.
Lượng học sinh vô gia cư ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Tại các thành phố lớn như New York và Santa Ana ở California, 13% học sinh là người vô gia cư, theo số liệu từ chính phủ Mỹ năm 2017. Trên toàn quốc, gần 80% nhóm này đang tạm sống với bạn bè và người thân, phần còn lại sống tại các trung tâm trú ẩn, nhà nghỉ, lều hoặc ôtô.
Theo Đạo luật McKinney-Vento năm 1987, mỗi học khu phải chỉ định một "liên lạc viên" như Mercado để bảo vệ quyền lợi cho học sinh vô gia cư, song đến nay, chỉ khoảng 1/4 học khu nhận được nguồn tài chính để làm nhiệm vụ trên, đồng nghĩa có những nơi không thể làm việc tích cực để giúp đỡ các em.
Trong khi đó, Mercado là một liên lạc viên rất tận tụy, cô liên tục nghe điện thoại, tiếp nhận các yêu cầu cho đến tận ban đêm. "Tôi không thể về nhà vào ban đêm mà không lo lắng về những đứa trẻ này", Mercado nói.
Trước khi Quốc hội hành động năm 1987, những học sinh không có nhà ở ổn định phải vật lộn để tiếp tục học tại trường. Nhiều em không có các giấy tờ cần thiết để ghi danh, như giấy khai sinh, hồ sơ tiêm chủng. Tính chất di chuyển thường xuyên của các em cũng là một khó khăn lớn.
Mercado đang hỗ trợ 759 em, khoảng 6% học sinh của học khu. Cô gọi các em là "học sinh đang chuyển nơi ở" thay vì gọi là "vô gia cư". "Khi mới bắt đầu công việc, tôi bị choáng ngợp do có quá nhiều tổn thương, quá nhiều đau đớn", Mercado chia sẻ.
Maria Bustos Lopez, 68 tuổi và ba cháu nhỏ mà vợ chồng bà nuôi lâm vào cảnh khó khăn vào năm ngoái. Gia đình vốn sống trong một ngôi nhà di động (cấu trúc được đúc sẵn, có thể di chuyển bằng xe kéo) nhưng sau khi ông Bustos bị đột quỵ, hai vợ chồng trễ hạn trả tiền thuê đất đỗ. Chủ đất đã kéo nhà của gia đình ra lề đường cao tốc.
Khi Mercado tới và nhận thấy họ không có điện, nước, bà Bustos đã khóc nức nở vì sợ rằng Mercado sẽ mang những đứa trẻ đi.
Nhưng thay vào đó, Mercado đã sắp xếp cho các bé đi học lần đầu tiên sau nhiều tháng, gửi một chiếc xe buýt để đưa đón các em, cũng như cung cấp thực phẩm, chăn điện và quần áo. Khi gia đình bà Bustos tìm thấy một khu đỗ mới nhưng cách xa bến xe buýt, một nhà thờ đã tặng xe đạp để các bé không phải đi bộ.
Mercado tiếp tục tới thăm gia đình và nhận ra tủ lạnh của nhà này đã hỏng. Một tuần sau, cô gửi một chiếc mới. "Mercado là thiên thần đời thực", bà Bustos bày tỏ niềm biết ơn.
Mercado cũng nỗ lực tăng ý thức cho các nhân viên trong trường về vấn đề nhà ở. Một học sinh đã buộc phải đi học bù vào hè sau khi không làm bài tập vẽ ngôi nhà mình. Giáo viên của em không nhận ra cho đến khi Mercado giải thích rằng em này sống trong cảnh tồi tàn với điện và nước lấy từ nhà hàng xóm, khiến em cảm thấy quá xấu hổ khi mô tả về nó.
Mercado cũng ca ngợi lòng hảo tâm của một giáo viên khác, Mirella Hernández Spalding, người đã cưu mang một thiếu niên có tên Jennifer Hurtado sau khi cô xin sự trợ giúp.
Hurtado sinh ra ở Mỹ và lớn lên ở Mexico sau khi mẹ em bị trục xuất. Một người họ hàng đưa em vào học trung học ở Texas, sau đó lại cho em nghỉ. Sau một cuộc họp ngắn, Spalding nhanh chóng đồng ý để Hurtado ở cùng mình. "Trái tim tôi đã tan chảy vì Hurtado ngay từ những ngày đầu tiên", giáo viên Spalding nói.
Hurtado nhanh chóng thông thạo tiếng Anh, hoàn thành chương trình trung học trong hai năm và đang nỗ lực trở thành lính biên phòng với hy vọng cải thiện mối quan hệ xuyên biên giới. "Nếu không có cô Mercado, tôi đã phải về Mexico", Hurtado nói, cảm ơn Mercado vì đã tìm cho mình một gia đình "tuyệt vời".
Gwendolyn Ibarra, 17 tuổi, rơi vào cảnh không nhà sau khi mẹ em rời bỏ người cha dượng, cùng các con chuyển đến một trung tâm trú ẩn cho người vô gia cư.
Ibarra là học sinh giỏi, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, là thành viên chơi saxophone trong ban nhạc trường. Em còn được chọn là cố vấn trẻ cho Hội đồng Thành phố. Tuy vậy, em đã phải sử dụng 6 địa chỉ khác nhau khi viết hồ sơ xin học đại học.
Mercado đã cung cấp nhu yếu phẩm cho Ibarra và sắp xếp phương tiện đi lại nhằm giúp em tránh phải chuyển trường. Đồng thời Mercado cũng giúp em lấy bằng lái xe và nộp đơn xin hỗ trợ tài chính cho học sinh vô gia cư.
Ibarra hồi tháng 3 vẫn nằm trong danh sách học sinh vô gia cư của học khu. Giờ em sắp trở thành tân sinh viên Đại học Harvard, trên con đường trở thành nhà khoa học thần kinh. "Nếu không có sự giúp đỡ của cô Mercado, tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện nộp đơn vào Harvard", Ibarra bày tỏ.
Mercado nhìn thấy tương lai hứa hẹn ở nhóm trẻ vô gia cư một phần vì các em phản chiếu bóng hình cô ngày trước. Cô đã sống trong cảnh vô gia cư nhiều năm thơ ấu và từng bị một người họ hàng lạm dụng tình dục. Năm 15 tuổi, Mercado đã vượt biên trái phép từ Mexico đến California để đoàn tụ với mẹ, một nông dân cũng đã nhập cư trái phép vào Mỹ trước đó. Mercado mang thai không lâu sau đó.
Người mẹ sau đó đuổi cô, khiến Mercado rơi vào cảnh vô gia cư với nỗi sợ hãi, không giấy tờ tùy thân trong khi cần chăm sóc em bé sơ sinh. Khi đó, cô phải nhận những ánh mắt khinh thường từ các nhân viên phòng y tế và các cố vấn tại trường.
"Tôi nhớ mình đã nghĩ sẽ có ngày tôi ngồi vào vị trí đó và không đối xử với mọi người như vậy", cô chia sẻ.
Có được tư cách pháp nhân thông qua lệnh ân xá những năm 1980, Mercado kết hôn và có 5 người con. Chồng cô là mục sư tại một nhà thờ Tin Lành, người đã giúp cô xoa dịu những vết sẹo thời thơ ấu.
Quá khứ khủng khiếp đã giúp cô thấu hiểu những tổn thương của các học sinh và nhận ra được "phiên bản mạnh mẽ, kiên cường mà họ có thể trở thành".
"Từng mang thai khi còn là một thiếu niên, tôi hiểu cảm giác vô gia cư, nghèo khó", cô chia sẻ. "Những học sinh này chỉ cần ai đó nói rằng họ đủ thông minh, đẹp đẽ. Họ xứng đáng với những gì tốt nhất".
Đức Trung (Theo NY Times)