Thiên thạch rơi giữa ban ngày ở Utah. Video: Fox 13
Tiếng nổ gây chấn động khu vực phía bắc bang Utah vào khoảng 8h32 ngày 13/8 theo giờ địa phương. Nhiều camera an ninh ở cửa nhà dân ghi lại tiếng nổ. Các địa chấn kế loại trừ nguyên nhân động đất. Cơ quan khí tượng quốc gia ở thành phố Salt Lake nhanh chóng chia sẻ ảnh radar chụp hai chớp sáng màu đỏ tại một trạm theo dõi sét. Chớp sáng nhiều khả năng là vệt đuôi của thiên thạch. Một cư dân ở Roy, Utah, cũng chia sẻ video ghi hình cầu lửa màu xanh dương lao qua bầu trời buổi sáng ngay trước khi tiếng nổ vang lên.
Không có báo cáo nào về thiên thạch nhỏ tìm thấy sau vụ nổ, dù một tình nguyện viên của NASA suy đoán những mảnh vỡ có thể nằm rải rác trong khu vực. Thiên thạch phát nổ khiến giới chuyên gia khó xác định nguồn gốc của nó, nhưng họ suy đoán vật thể đến từ mưa sao băng Perseid.
Mưa sao băng Perseid xuất hiện hàng năm vào tháng 7 và tháng 8 khi Trái Đất đi qua mảnh vỡ còn sót lại từ sao chổi 109P/Swift-Tuttle. Phần lớn mảnh vỡ rất nhỏ nhưng có thể bay qua khí quyển Trái Đất ở tốc độ 214.360 km/h, theo Hiệp hội Thiên thạch Mỹ. Năm nay, mưa sao băng Perseid đạt đỉnh vào ngày 11 và 12/8.
Thiên thạch tạo ra tiếng nổ siêu thanh khi di chuyển qua khí quyển nhanh hơn vận tốc âm thanh, theo Viện Công nghệ California. Do ánh sáng di chuyển nhanh hơn âm thanh, tiếng nổ phát ra từ thiên thạch thường xảy ra vài giây sau khi cầu lửa xuất hiện. Trong phần lớn trường hợp, thiên thạch vỡ ở quá cao trong khí quyển để âm thanh có thể truyền tới mặt đất. Đầu năm nay, nhà chức trách cũng ghi nhận một quả cầu lửa xuất hiện trên bầu trời Ontario, Canada và những mảnh thiên thạch vỡ nhỏ ở Mississippi, Mỹ.
An Khang (Theo Live Science)