Quá trình phát nổ của thiên thạch trong khí quyển giải phóng năng lượng bằng 200 kg thuốc nổ TNT, chứng tỏ vật thể nhiều khả năng nặng 4,5 kg và có đường kính 15 cm, theo trang Meteor Watch của NASA. Thiên thạch lao xuyên qua khí quyển ở tốc độ khoảng 68.000 km/h. Nó xuất hiện ở phía bắc bang Vermont giống như một quả cầu lửa rực sáng vào lúc 17h38 theo giờ địa phương, ngay trước khi Mặt Trời lặn.
Nhiều người dân địa phương kể lại họ nghe thấy tiếng nổ lớn và rung động mạnh khi thiên thạch bay qua trên đầu. "Tôi rất may mắn khi nghe và trông thấy thiên thạch ở bờ sông Missisquoi tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Missisquoi ở Swanton", một người dân tên Chris Hrotic chia sẻ. "Âm thanh vật thể lao vút qua thôi thúc tôi ngẩng lên nhìn vừa kịp lúc. Cầu lửa cực kỳ sáng và vô cùng ngoạn mục".
Dựa theo mô tả của nhân chứng, NASA ước tính cầu lửa xuất hiện lúc đầu ở cách rừng núi Mansfield phía đông Burlington, thành phố lớn nhất bang Vermont, 84 km về phía đông. Sau đó, nó bay 53 km về phía đông bắc, hướng tới biên giới Canada, biến mất phía trên nền đất cách thị trấn Newport 53 km về phía nam.
Theo NASA, sóng xung kích là kết quả khi thiên thạch bị nứt vỡ do áp suất khí quyển. Trong lúc mảnh vỡ lớn cỡ quả bóng bowling của thiên thạch mẹ to hơn di chuyển ở tốc độ nhanh gấp gần 55 lần vận tốc âm thanh trong khí quyển, áp suất tích tụ ở mặt trước và vùng chân không hình thành phía sau nó. Cuối cùng, chênh lệch áp suất khiến thiên thạch nổ tung. Theo bình luận trên Facebook của NASA, người dân ở xa hơn về phía tây như Saratoga, New York, Quebec, và Watertown, Massachusetts, vẫn có thể trông thấy thiên thạch.
An Khang (Theo Live Science)