Thiên thạch Tissint lao xuống sa mạc Guelmim-Es Semara của Morocco ngày 18/7/2011. Theo ước tính của các nhà khoa học, một hành tinh nhỏ đánh bật mảnh thiên thạch này khỏi bề mặt sao Hỏa khoảng 700.000 năm trước.
Khối thiên thạch màu xám và nặng 8 kg gây ngạc nhiên cho giới khoa học khi họ nhận thấy nó chứa dấu vết của nước và thành phần trong hợp chất carbon hữu cơ. Giới chuyên gia khi đó cho rằng chất hữu cơ có thể xuất hiện sau khi "vị khách không gian" rơi xuống khu vực Bắc Phi.
Tuy nhiên, theo Sputnik News, nghiên cứu gần đây chứng minh rằng chúng có nguồn gốc từ bên ngoài Trái Đất và có thể là bằng chứng về sự sống ngoài địa cầu từ cách đây 700.000 năm. Qua kiểm tra, nhóm chuyên gia xác định chất hữu cơ có 4 đặc điểm khác thường cho thấy chúng hình thành trong điều kiện tự nhiên bên ngoài Trái Đất. Chúng đồng thời chứa nhiều deuterium (đồng vị bền của hydro), vốn được tìm thấy trong đất ở sao Hỏa.
Giáo sư Yangting Lin của Học viện Khoa học Bắc Kinh cho hay, thành phần carbon hữu cơ trong Tissint có thể không có nguồn gốc sinh học. Chúng có thể có hình thành từ sự va chạm giữa các thiên thạch chứa carbon chondrite.
Linh Anh