Một thiên thạch tìm thấy ở sa mạc Sahara vào năm 2020, được nhóm nghiên cứu trường Đại học West Brittany (Pháp) xác định niên đại và xuất xứ. Đây là một mảnh của một hành tinh cổ đại được hình thành trước khi Trái Đất xuất hiện.
Thiên thạch được đặt tên Erg Chech 002 (EC 002), xếp vào nhóm đá anchondrite, có niên đại cách đây 4,6 tỉ năm, trong khi Trái Đất chỉ khoảng 4,5 tỉ năm. EC 002 có phần lớn cấu trúc là đá núi lửa, nên nhóm nghiên cứu xác định loại thiên thạch này xuất phát từ lớp vỏ của một hành tinh cổ đại ở giai đoạn sơ khai.
Có 20 năm nghiên cứu thiên thạch, chuyên gia Jean-Alix Barrat, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, những loại thiên thạch được xác định hình thành ở thời kỳ đầu hệ Mặt Trời, việc lấy mẫu trở nên phức tạp do mỗi lớp đá đại diện cho hàng triệu năm biến đổi tính chất. "EC 002 là loại đá tuyệt vời nhất tôi từng nhìn thấy trong 20 năm qua", ông nói.
Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, thiên thạch này từng ở dạng dung nham lỏng, nhưng mất khoảng 100 nghìn năm để nguội lại và rắn chắc, tạo thành một tảng đá nặng 31 kg trước khi lao đến Trái Đất.
Anchondrite là loại thiên thạch đến từ các hành tinh đời đầu của hệ mặt trời, được hình thành từ các mảnh vật liệu nóng chảy và di chuyển trong không gian do tác động từ một vụ va chạm nào đó.
Nhóm nghiên cứu cho biết đây là loại đá núi lửa cổ nhất trên thế giới từ trước đến nay, việc nghiên cứu thiên thạch này có thể hé lộ lịch sử hệ mặt trời trong giai đoạn mới hình thành.
Nguyễn Xuân (Theo Science Net)