Thiên thạch được phát hiện ở Gloucestershire hồi tháng 3/2021 bởi Derek Robson, cư dân ở Loughborough, Anh, giám đốc hóa học thiên thể ở Tổ chức nghiên cứu vật lý thiên văn East Anglia (EAARO). Thiên thạch nằm giữa dấu móng ngựa lưu lại trên cánh đồng, theo Đại học Loughborough.
Đây là một thiên thạch chondrite carbon, nhóm hiếm chỉ chiếm 4 - 5% số thiên thạch tìm thấy trên Trái Đất. Chúng có nguồn gốc từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, hình thành ở thời kỳ sơ khai của hệ Mặt Trời. Loại thiên thạch này thường chứa hợp chất hữu cơ có carbon, bao gồm amino axit cấu thành khối xây dựng cơ bản của sự sống. Giới nghiên cứu vẫn băn khoăn liệu thiên thạch chondrite carbon có cung cấp manh mối về cách sự sống xuất hiện trong hệ Mặt Trời hay không.
Khác với nhiều mảnh vỡ vũ trụ, thiên thạch ở Gloucestershire không trải qua va chạm dữ dội và nhiệt độ cực cao thường gặp trong quá trình ra đời của những hành tinh và mặt trăng thuộc hệ Mặt Trời. Thay vào đó, nó bay qua không gian nguyên vẹn trước khi bất kỳ hành tinh nào được tạo ra, theo Shaun Fowler, nhà hiển vi học ở Đại học Loughborough. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có cơ hội hiếm hoi để kiểm tra dấu tích từ quá khứ nguyên thủy.
Khối đá có kích thước khá nhỏ, màu than củi và dễ vỡ, giống như một khối xi măng vụn. Thiên thạch cấu tạo chủ yếu từ khoáng chất như olivine và phyllosilicate, cùng với hạt tròn có tên chondrule, loại hạt bị chảy một phần và dính vào vật thể.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Loughborough và EAARO sử dụng kính hiển vi điện tử để nghiên cứu bề mặt thiên thạch tới cỡ nanomet (bằng một phần tỷ mét). Họ còn sử dụng kỹ thuật quang phổ rung động và nhiễu xạ tia X, cho phép nghiên cứu sâu cấu trúc hóa học của khoáng chất trong thiên thạch. Nếu nhóm nghiên cứu có thể xác nhận sự tồn tại của amino axit trong mẫu vật, phát hiện có thể hé lộ thông tin mới về quá trình hóa địa chất tạo nền tảng cho sự sống xuất hiện trong hệ Mặt Trời thuở sơ khai. Việc kiểm tra thiên thạch vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu.
An Khang (Theo Space)