Năm nay biển Đông hứng 9 cơn bão, trong đó 3 cơn đổ bộ Việt Nam là bão Sơn Tinh vào Thanh Hóa - Nghệ An giữa tháng 7; Bebinca vào Thanh Hóa đêm 16/8 và bão Usagi vào Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre ngày 26/11. Các cơn bão không gây gió mạnh, chủ yếu là mưa lớn.
Bão số 4 Bebinca khi vào đất liền đạt cấp 8 nên không gây thiệt hại lớn, nhưng khi sang Lào lại gây mưa cực lớn. Nước lũ từ Lào theo sông suối đổ ngược về các huyện miền núi Nghệ An, gây ngập lớn nhất trong 7 năm qua. Tại Thanh Hóa, ngập lụt khiến 10.000 dân phải sơ tán.
Bão số 9 Usagi sau khi đổ bộ vào Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre ngày 26/11 với sức gió cấp 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng hoàn lưu thì tồn tại dai dẳng, gây mưa chưa từng có cho TP HCM. Toàn thành phố rối loạn do hơn 100 điểm ngập sâu cả mét, hơn 30 chuyến bay phải lùi giờ.
Ngày cuối cùng năm 2018, vùng áp thấp cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 150 km đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, trở thành cơn thứ năm trong năm. Ít có khả năng đi vào đất liền, nó vẫn gây nguy hiểm cho vùng nam biển Đông, ngư trường đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm
Thống kê của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2018 có 24 đợt không khí lạnh tràn xuống Việt Nam, xấp xỉ so với năm trước. Trong đó đợt không khí lạnh từ 28/1, kéo dài 11 ngày gây rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) xấp xỉ âm 2, Sa Pa (Lào Cai) âm 1, băng giá xuất hiện nhiều nơi.
Những ngày cuối năm 2018, miền Bắc và Bắc Trung Bộ đón đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu đông. Nhiệt độ tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) xuống âm 1, băng giá xuất hiện dày từ đêm 29 đến ngày 31/12. Tại Phia Oắc (Cao Bằng), băng cũng xuất hiện khi nhiệt độ dưới 0.
Tuy nhiên, nếu xét tổng thể thì hai tháng 11 và 12 nền nhiệt miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn cao. Trừ đợt rét đầu và cuối tháng 12, còn tới gần 20 ngày trời nắng, sáng và đêm chỉ se lạnh. Xét riêng Hà Nội, nhiệt độ trung bình nhiều năm vào tháng 12 khoảng 18 độ, nhưng năm nay xấp xỉ 20.
Hè 2018 lại được xem là mát mẻ khi có 11 đợt nắng nóng diện rộng, ít hơn năm trước 4 đợt. Các đợt không kéo dài và không quá gay gắt. Đợt nóng nhất (29/6-6/7) xảy ra ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với nền nhiệt cao nhất tại một số nơi trên 40, như: Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Tây Hiếu (Nghệ An) 40,5 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 41, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 41,5 độ C. Hè năm trước, Hà Đông (Hà Nội) nóng 42 độ.
Bắc Bộ có 5 đợt lũ lịch sử
Cả nước xảy ra 30 đợt mưa lớn diện rộng, nhiều hơn 7 đợt so với năm 2017. Các đợt mưa không kéo dài, lượng mưa không quá lớn, riêng đợt ngày 27-31/8 do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với vùng áp thấp phát triển từ tầng thấp lên mực 5.000 m nên Bắc Bộ mưa to, một số nơi mưa rất lớn như: Km22 (Hòa Bình) 500 mm, Km46 (Hòa Bình) 570 mm...
Mưa lớn gây ra 7 đợt lũ ở Bắc Bộ, trong đó 5 đợt lũ lịch sử. Tháng 6, lũ lịch sử xuất hiện trên sông Đà đến hồ Lai Châu, sông Nậm Mu đến hồ Bản Chát. Tháng 7, lũ kỷ lục trên sông Bứa tại Thanh Sơn; lũ lớn xấp xỉ và vượt mức báo động 3 trên sông Đà tại hồ Sơn La và Hòa Bình, sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ (đỉnh lũ tại Yên Bái và Phú Thọ lớn nhất từ năm 2009 đến nay).
Tháng 8, lũ đặc biệt lớn xảy ra trên sông Nậm Pàn tại Hát Lót; lũ sông Đà tại hồ Sơn La, trên sông Thao tại Yên Bái với đỉnh lũ vượt báo động 3. Đặc biệt, nhiều năm rồi người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) mới lại trải qua đợt lụt sâu tới 2 m, kéo tới cả nửa tháng.
Miền Trung lũ lớn vào tháng 8 và 12
Tháng 8, các sông Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện 2 đợt lũ, bắc Tây Nguyên có một đợt. Trong đó, lũ trên sông Mã, Cả đặc biệt lớn. 24h ngày 30/8, lũ sông Mã tại Hồi Xuân đạt 66,05 m, trên báo động 3 là 1,05 m, bằng lũ lịch sử năm 2007. Sông Cả tại Tương Dương có 2 trận lũ với đỉnh đạt 70,5 m (20h ngày 17/8) và 71,82 m (13h ngày 31/8), cao hơn 1,6-2,9 m so với lũ lịch sử năm 2007.
Trong tháng 10 và 11, trên các sông Trung, Nam Trung Bộ xuất hiện 4 đợt lũ nhỏ, trong đó trận ngày 17-20/11 và 23-27/11 đỉnh lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 1-2. Do lũ không lớn, không cung cấp nước cho các hồ chứa nên nhiều hồ khu vực này đang thiếu nước.
Đợt mưa lũ lớn nhất ở miền Trung diễn ra vào ngày 7-10/12. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động của đới gió đông, các tỉnh Nghệ An đến Phú Yên mưa to. Một số nơi mưa rất to như: Đà Nẵng 970 mm; Câu Lâu 1.070 mm, Thăng Bình 1.050 mm, Tam Trà 1.000 mm (Quảng Nam)... Chỉ trong 24 giờ Đà Nẵng mưa tới hơn 600 mm, toàn thành phố ngập sâu 0,5-2 m, kéo dài hơn một ngày. Lượng mưa và mức ngập này được đánh giá là chưa từng có.
Tổng cục Phòng chống thiên tai thống kê năm 2018 thiên tai làm 221 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng. Một năm trước, biển Đông có tới 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Thiên tai làm 325 người chết, 61 người mất tích. Tổng thiệt hại vật chất xấp xỉ 60.000 tỷ đồng, nhiều nhất trong 5 năm qua.