Sau nhiều ngày không ra khỏi phòng, chiều 11/11, thiền sư Thích Nhất Hạnh rời khỏi căn phòng an dưỡng đi thiền hành, ngắm cảnh chùa Từ Hiếu cùng với tăng ni và người mộ đạo.
Ông mặc bộ áo màu nâu sòng quen thuộc, đội mũ len ngồi trên xe lăn được các tăng ni đẩy chậm rãi trong khuôn viên chùa. Thấy thiền sư, nhiều phật tử và người mộ đạo đã rất bất ngờ, chắp tay thành kính đảnh lễ rồi nhập vào đoàn tháp tùng dạo cảnh chùa. Khoảng 30 phút sau, thầy được các tăng ni đưa về an dưỡng.
Theo một sư thầy chùa Từ Hiếu, sức khỏe của thiền sư tiến triển tốt, tuy nhiên ông chưa thể nói và tự đi lại được sau cơn tai biến vào năm 2014. Những ngày qua, Huế mưa liên tục nên thiền sư chủ yếu ở trong phòng. "Hai hôm nay, trời nắng đẹp, ông có ra ngoài đi dạo. Sáng sớm nay, thiền sư cũng ra hồ bán nguyệt ngắm cá và thiền hành với phật tử", sư thầy nói.
Nhiều phật tử hôm nay đến chùa Từ Hiếu tình cờ gặp thầy, bày tỏ cảm xúc "rất mãn nguyện và không nghĩ mình lại có duyên như vậy".
Thùy Ca (19 tuổi) từ Đà Nẵng ra Huế từ hôm qua. "Ra Huế lần này, em muốn được một lần thấy sư ông ở trong ngôi chùa tổ nơi ngài xuất gia và em cũng muốn biết thêm về chùa Từ Hiếu. Em cảm thấy mình rất may mắn khi không chỉ một mà hai lần trong ngày được thấy và đi thiền hành cùng với sư ông", Thùy Ca nói.
Từ khi thiền sư về Việt Nam, hàng ngày chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế) luôn có hàng trăm người tìm đến. Có người ở TP HCM, Hà Nội đã lưu lại nhiều ngày ở ni xá Diệu Trạm tu tập và chờ duyên gặp thiền sư. Nhiều người đến và đi mà không gặp được thầy bởi thiền sư rất ít khi rời phòng tĩnh dưỡng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh về chùa Từ Hiếu nơi ngài xuất gia để an dưỡng từ ngày 28/10. Ông muốn sống tại đây bên các chư huynh đệ và con cháu cho đến ngày viên tịch.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế). Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế.
Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới.
Nơi cư ngụ của ông là Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne miền Nam nước Pháp. Ông du hành khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire (Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa) của ông.
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thầy Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.
Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, và thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.