Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng và con cháu đang tu tập ở tổ đình Từ Hiếu nói rõ ý nguyện của ngài sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên Huế).
Thiền sư bày tỏ vui mừng khi được trở về Việt Nam và dự lễ tảo tháp của chư liệt vị tổ sư tại Tổ đình Từ Hiếu. Dù sống nơi đất khách quê người nhưng mỗi mùa thu về, lòng ngài vẫn hướng về chư vị tổ sư ở Tổ đình Từ Hiếu.
Theo thiền sư, kể từ khi rời khỏi Phật học đường Bảo Quốc, hơn 70 năm qua ngài đã chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư tổ đã tin tưởng và phó thác.
"Giờ đây, dòng pháp nhũ của tổ đình Từ Hiếu, Phật giáo Việt Nam đã được lan tỏa khắp nơi trên thế giới... Tôi thấy rằng đã đến lúc cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này. Ao ước được trở về sống nơi đất tổ và xây dựng nề nếp tu học ở Tổ đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi suốt những năm qua", thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh quyết định sống nơi đất Tổ cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ Đình cho đến ngày viên tịch.
"Giờ đây, chúng ta có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu của nhiều quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai đó, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa", thiền sư viết.·
Trước đó, chiều ngày 28/10, thiền sư Thích Nhật Hạnh đã về chùa Từ Hiếu trong sự chào đón của chư tăng và phật tử. Ngài sẽ ở tại căn phòng năm xưa đã ở khi về thăm chùa năm 2017.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế). Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế.
Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới.
Nơi cư ngụ của ông là Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne miền Nam nước Pháp. Ông du hành khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire (Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa) của ông.
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thầy Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.
Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, và thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.
Võ Thạnh
.