Theo phán quyết, mọi con sông ở Bangladesh sẽ được công nhận là có "địa vị pháp lý" như con người. Người nào gây thiệt hại tới chúng có thể bị coi là đang làm hại tới sinh vật sống và có thể bị đưa ra xét xử trước tòa án bởi cơ quan chuyên trách là Ủy ban Bảo tồn Sông hồ Bangladesh.
Phán quyết của tòa tối cao Bangladesh được đưa ra để tăng cường bảo vệ các con sông, khi các chế tài xử phạt hiện hành không còn đủ hiệu quả để ngăn ngừa hành vi vứt rác bừa bãi và chiếm dụng mặt sông.
"Quyền của giới tự nhiên" có mục đích tăng cường bảo vệ các thực thể, cân bằng lợi ích của con người, của những loài sinh vật khác, và của hành tinh.
Khi thực thể tự nhiên được trao quyền, chúng sẽ được đại diện bởi người giám hộ (cơ quan nhà nước), tương tự như bố mẹ đại diện lợi ích của con cái. Người giám hộ có thể đâm đơn khởi kiện khi thấy có hành vi gây hại tới thực thể tự nhiên đó. Nếu thắng kiện, khoản tiền này sẽ được đặt vào quỹ riêng để dùng cho hoạt động khôi phục nguyên trạng môi trường.
Bangladesh là quốc gia mới nhất tham gia phong trào "quyền của giới tự nhiên". Phong trào mới mẻ này cho rằng chúng ta nên công nhận thực thể tự nhiên (ví dụ sông suối, rừng cây) cũng có quyền lợi thiêng liêng không thể bị tước đoạt, giống như các quyền mà con người đang được hưởng (ví dụ "quyền được sống"), thay vì coi chúng là tài sản để bị sở hữu.
Tháng 2, cử tri bang Ohio (Mỹ) bỏ phiếu trao cho con hồ Erie quyền "được tồn tại, phát triển, và biến đổi theo tự nhiên" trước tình trạng phân bón từ các nông trại gần đó ngấm vào hồ nước gây ô nhiễm.
Vào năm 2008, Ecuador đã mở đầu cho phong trào trên khi công nhận khái niệm "quyền của giới tự nhiên" trong hiến pháp quốc gia. Liên tiếp sau đó, New Zealand lần lượt công nhận quyền pháp lý của khu rừng Te Urewera vào năm 2014. Năm 2017, Colombia công nhận quyền lợi cho dòng sông Atrato.
Tuy nhiên, vẫn có một số người chưa đồng ý với phong trào "quyền của giới tự nhiên". Họ cho rằng việc trao quyền pháp lý cho những thứ không có sinh mạng như sông hồ hoặc rừng cây là khó đảm bảo thực thi và có thể mang lại một số hậu quả không mong muốn.
Trước hết, giả sử khi dòng sông có quyền, vậy chuyện gì sẽ xảy ra với mọi người dân sống nhờ nó? Ví dụ như ở Bangladesh, hàng triệu ngư dân và nông dân sống tạm bợ tại những khu ổ chuột dọc các con sông, lấy đó làm nơi kiếm sống. Khi các con sông được công nhận quyền, một số người dân có thể bị đuổi đi nơi khác và mất kế sinh nhai với lý do họ làm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, các thực thể tự nhiên như sông suối không tuân thủ đường biên giới. Nếu một quốc gia trao quyền, nhưng quốc gia láng giềng không công nhận, việc bảo vệ dòng sông trên phương diện pháp lý sẽ gặp khó khăn. Ví dụ như những nhà hoạt động môi trường tại Bangladesh đang phải lên tiếng vì họ không thể buộc Ấn Độ tuân thủ luật mới về sông.
Một khó khăn khác mà phong trào này gặp phải là các quy định công nhận quyền của thực thể tự nhiên thường bị tranh chấp pháp lý nên không phải ai cũng có tiền để đệ đơn và theo vụ kiện. Như vậy, tồn tại rủi ro là bên nào có điều kiện tài chính thì sẽ có cơ hội áp đặt ý chí của mình.
Ví dụ như tại Ecuador, tổ chức phi chính phủ Liên minh Toàn cầu vì Quyền Tự nhiên vào năm 2011 đã thay mặt con sông Vilcabamba đứng ra khởi kiện để ngăn một công ty xây đường cao tốc cắt ngang mặt sông. Tổ chức này sau đó thắng kiện, nhưng phía công ty không chịu tuân thủ phán quyết. Vì tổ chức trên không đủ kinh phí để một lần nữa đưa công ty xây dựng ra tòa, phán quyết không được đảm bảo thực thi.
Một khái niệm pháp lý mới xuất hiện không thể tránh khỏi việc bị phản đối và làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cũng như cuộc đấu tranh cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ và quyền tự do cho nô lệ. Bất chấp khó khăn, phong trào "quyền của giới tự nhiên" đã gặt hái được thành công bước đầu, từ đó khiến nhiều người chú ý tới tầm quan trọng của môi trường hơn.
Quốc Đạt (Theo Vox, Right Of Nature)