Một người bạn nói với tôi rằng: "Nếu sống trên đời mà không có đam mê thì thật là vô vị". Tôi cũng tự hỏi bản thân: "Đam mê của mình là gì nhỉ?". Không biết đam mê của các bạn là gì, nhưng mình là con người của những đam mê nối tiếp và lớn dần. Hồi nhỏ, tôi có đam mê đặc biệt với môn toán. Những thời gian rảnh rỗi, hay bất cứ khi nào chán tôi lại lôi toán ra học, chính vì điều đó mà điểm toán của tôi lúc nào cũng cao nhất lớp, tôi vui vì điều đó. Lớn dần lên, khi quyết định chọn cho mình một nghề nghiệp để nuôi dưỡng và thực hiện những đam mê, thì tôi đã chọn ngành điện vì đó là đam mê của tôi. Mỗi thời điểm tôi lại có một đam mê, nếu ai đó hỏi tôi đam mê hiện tại của tôi là gì, thì tôi sẽ không dự mà trả lời "Đam mê của tớ là làm thiện nguyện".
Có nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại có đam mê như vậy, để trả lời câu hỏi này tôi xin chia sẻ với bạn câu chuyện đã làm nên một đam mê trong tôi.Tôi là một sinh viên trường Đại học Điện Lực, đã tham gia công việc thiện nguyện được 2 năm. Đi khắp các vùng miền đất nước Việt Nam thân yêu, mỗi nơi tôi đều có những kỷ niệm cho riêng mình. Vùng đất Hầu Thào - Sa Pa để lại cho tôi ấn tượng về sự chịu khó của người người đồng bào dân tộc, sự đoàn kết dân tộc của bà con dân tộc Ráy và dân tộc H’Mông... Nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng hơn cả đó chính là cuộc sống của người dân tộc H’Mông ở bản Tà Số, Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La.
Đường lên Tà Số vô cùng khó khăn và nguy hiểm, vượt hơn 2km đường leo núi lượn đồi, tôi đã bị choáng ngợp bởi cuộc sống của người dân nơi đây. Ở xa trung tâm thị trấn Mộc Châu, nơi cái chữ đến với người dân còn khó huống chi là các dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống. Đi 1 vòng quanh bản, tôi cảm thấy đượm buồn vì không ngờ tôi đang đứng ở một nơi nghèo nhất Việt Nam. Điện có, trường có, trạm có nhưng sóng điện thoại không có, nguồn nước lại không có nhiều. Qua tìm hiểu tôi được biết nước họ phải đi hàng tiếng mới có thể lấy được nguồn nước về sinh hoạt. Tôi còn nhớ như in lời nói của cô giáo hiệu trưởng trường tiểu học Tà Số: "Nước ở bể đó vừa là nước ăn, vừa là nước uống, vừa là nước cho sinh hoạt cá nhân của các học sinh trong trường". Tôi đã bị choáng. Thực sự nước đó vô cùng bẩn. Nước được đựng trong 1 cái bể và đặt ở ngoài trời, cao khoảng 1m, nơi mà ai cũng có thể thò tay vào được. Tôi đã lặng đi một lúc. Nhưng đó không phải là tất cả những điều tôi chứng kiến.
Trời hôm đó mưa to lắm, nhìn cảnh người dân thi nhau hứng nước mưa đổ vào bể, những cái gì có thể đựng được đều được huy động hết. Và tôi chỉ mong rằng trời mưa càng lâu càng tốt, để mọi người trong bản không phải đi hàng cây số để lấy nước vào những ngày hôm sau. Trận mưa cũng tạnh ngay sau đó, tôi thầm nguyện ước: "Ngày nào trên Tà Số cũng mưa to 1 lúc để cho họ hứng đủ nước dùng rồi tạnh cũng được". Câu chuyện tôi kể trên đã viết lên đam mê của tôi, và chính tại nơi đây đã cho tôi một ý tưởng để thực hiện dự án thiện nguyện mang nước đến cho người dân nghèo miền núi.
Để thực hiện điều đó, tôi đã tham gia cuộc thi "Mùa hè nước 2014" với dự án: "Xây dựng hệ thống thu hồi, xử lý và dự trữ nước mưa làm nước sinh hoạt cho người dân bản Tà Số", và dự án của tôi đã đạt giải nhất khi đó chúng tôi sẽ được đầu tư để thực hiện dự án thiện nguyện của mình. Đam mê làm thiện nguyện đã mang đến cho tôi sự tự tin, sức mạnh để thuyết phục nhà đầu tư, ban tổ chức để mang đến nguồn nước sạch cho người dân miền núi. Đam mê làm thiện nguyện sẽ không bao giờ tắt trong tôi, hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ có thật nhiều dự án thiện nguyện, để giúp đỡ các trẻ em nghèo trên khắp đất nước Việt Nam.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Văn Lâm