Cuối tuần trước, bà Chu Thị Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và 6 người bị khởi tố, điều tra để làm rõ hành vi chiếm đoạt quỹ bình ổn xăng dầu. Họ còn bị cáo buộc phạm tội tham ô tài sản, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Thiên Minh Đức và một số đơn vị liên quan. Bà Thành còn được biết đến là mẹ "đại gia kim cương" Chu Đăng Khoa.
Tập đoàn Thiên Minh Đức thành lập năm 2001, có hệ sinh thái với nhiều công ty con và chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng, bất động sản, vận tải biển, nhà hàng, khách sạn... Bà Chu Thị Thành là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.
Sau nhiều lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, vốn điều lệ của tập đoàn này tăng từ 200 tỷ lên hơn 2.000 tỷ đồng vào tháng 9/2022. Theo thay đổi đăng ký kinh doanh tháng 9/2023, bà Chu Thị Thành nắm 77,15%, ông Chu Đăng Khoa sở hữu 22,77% và một cá nhân khác giữ 0,08%.
Xăng dầu từng là lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của Thiên Minh Đức, đưa tập đoàn trở thành một trong những đầu mối kinh doanh mặt hàng này lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Tại Nghệ An, năm 2019, họ đã đưa tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung Bộ vào hoạt động, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Ba năm sau đó, đầu mối này có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc. Họ cũng có hệ thống cảng biển và kho chứa ở ba miền Bắc, Trung và Nam.
Song đến hiện tại, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), doanh nghiệp này không còn hoạt động nhiều trong lĩnh vực xăng dầu. "Thị phần kinh doanh xăng dầu của họ từ từ đi xuống, dần bị thay thế bởi các đầu mối khác trong khu vực", bà Hiền nói với VnExpress.
Do vậy, bà Hiền cho biết vụ việc dàn lãnh đạo của Thiên Minh Đức bị bắt không ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh.
"Thị trường phản ứng rất nhanh, khi có doanh nghiệp gặp vấn đề, các đại lý sẽ chuyển sang nhập nguồn từ đầu mối khác để bán", bà Hiền nói thêm.
Nổi lên từ xăng dầu, song đây cũng là mảng kinh doanh khiến Thiên Minh Đức từng nhiều lần bị điểm tên với hàng loạt vi phạm. Hồi tháng 8/2024, doanh nghiệp này bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt hành chính. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý cho biết Thiên Minh Đức đã không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu. Trước đó, họ bị tước giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu 45 ngày (từ 6/3 đến 21/4) do vi phạm điều kiện kinh doanh.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2023, Thiên Minh Đức là một trong 7 thương nhân đầu mối đã sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích. Cụ thể, họ không kết chuyển tài khoản về quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại. Cơ quan thanh tra cho biết Thiên Minh Đức đã bị xử phạt vi phạm hành chính 3 lần.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn tại Thiên Minh Đức là gần 470 tỷ đồng, tính đến cuối quý III/2024. Liên quan tới số dư quỹ này, một đại diện Bộ Công Thương cho biết theo báo cáo của doanh nghiệp và sao kê tại ngân hàng, số tiền vẫn duy trì trong tài khoản của họ tại nhà băng. Tuy nhiên, sau khi vụ án bị khởi tố, cơ quan chức năng sẽ điều tra, xác minh thêm các sai phạm để xử lý.
Ngoài Quỹ bình ổn giá, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng tập đoàn này thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu. Trong ba năm (2018-2021), tổng tiền thuế bảo vệ môi trường doanh nghiệp này phải nộp tăng gần 3.300 tỷ đồng.
Dù nợ ngân sách Nhà nước tiền thuế nhưng trong các năm 2017-2022, Thiên Minh Đức cho Phó tổng giám đốc Chu Đăng Khoa và Chủ tịch Chu Thị Thành mượn 7.485 tỷ đồng để "sử dụng vào mục đích cá nhân". Đến thời điểm thanh tra, mẹ con "đại gia kim cương" còn nợ công ty 1.396 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ sau đó đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định. Tới tháng 12/2023, Chủ tịch Chu Thị Thành đã bị tạm hoãn xuất cảnh do đơn vị này chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Thiên Minh Đức từng là doanh nghiệp nộp thuế cao nhất tỉnh Nghệ An năm 2021, với 1.820 tỷ đồng và thường xuyên nằm trong nhóm những doanh nghiệp địa phương đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/11/2023, doanh nghiệp này lại đứng đầu danh sách nợ thuế của địa phương, hơn 950 tỷ đồng, theo số liệu công khai của Cục Thuế Nghệ An. Đến đầu năm nay, cơ quan thuế đã cưỡng chế thuế doanh nghiệp gần 940 tỷ đồng, bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Ngày 8/1, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 188 triệu đồng với Thiên Minh Đức vì vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tính đến ngày 30/11/2024, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho 108 lao động, số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Phương Dung