Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là một trong ba doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, qua kiểm tra, Tập đoàn Thiên Minh Đức đã không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu. Doanh nghiệp này bị xử phạt hành chính 85 triệu đồng. Họ cũng bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 45 ngày, từ ngày 6/3 đến hết 21/4.
Ngoài ra, hai thương nhân đầu mối khác cũng bị xử lý gồm Công ty cổ phần Appollo Oil và Công ty TNHH Trung Linh Phát. Trong đó, Trung Linh Phát bị phạt hành chính 245 triệu đồng do gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối, không duy trì mức dự trữ xăng dầu tối thiểu. Công ty này cũng bị tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng, từ ngày 19/6 đến 19/7.
Còn Appollo Oil bị phạt 100 triệu đồng do bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Cùng với đó, nhà chức trách cũng mở rộng xác minh với 14 doanh nghiệp mua, bán xăng dầu với Appollo Oil. Những doanh nghiệp này bị phạt 700 triệu đồng.
Theo quy định về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối phải báo cáo, đáp ứng điều kiện về cầu cảng, kho và hệ thống phân phối. Họ cũng cần tuân thủ quy định về tổng nguồn xăng dầu tối thiểu Bộ Công Thương phân giao hàng năm, dự trữ lưu thông, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và điều chỉnh giá...
Tập đoàn Thiên Minh Đức thành lập năm 2001, có hệ sinh thái với nhiều công ty con và nhiều chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng, bất động sản, sản xuất giấy và bao bì, logistics, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, vận tải biển... Thiên Minh Đức là công ty do bà Chu Thị Thành, mẹ của ông Chu Đăng Khoa, là người đại diện pháp luật. Theo thay đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 9/2023, doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bà Chu Thị Thành nắm 77,15%; "đại gia kim cương" Chu Đăng Khoa sở hữu 22,77% và một cá nhân khác giữ 0,08%.
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ cuối năm ngoái, doanh nghiệp này vi phạm trong sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, kê khai sai thuế bảo vệ môi trường. Từ 2018-2021, tổng tiền thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này phải nộp tăng thêm gần 3.300 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Trung Linh Phát, thương nhân đầu mối có trụ sở tại Ninh Bình, cũng từng bị xử phạt do không kết chuyển số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Đầu năm nay, Bộ Công Thương yêu cầu công ty này nộp lại số tiền hơn 26 tỷ đồng nợ quỹ bình ổn, sau nhiều lần nhắc nhở.
Còn Appollo Oil, có trụ sở tại TP HCM, cũng bị nhắc nhở do chưa gửi báo cáo kiểm toán quỹ bình ổn tới liên Bộ Công Thương - Tài chính đúng hạn.
Ngoài các doanh nghiệp trên, theo cơ quan quản lý thị trường, từ đầu năm, họ đã kiểm tra 1.355 vụ, xử lý vi phạm 247 vụ về kinh doanh xăng dầu. Số tiền nộp ngân sách nhà nước, gồm khoản thu nhập bất hợp pháp bị buộc nộp lại, trong 7 tháng là hơn 8,3 tỷ đồng.
Các vi phạm chủ yếu là không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý. Nhân viên bán hàng không qua đào tạo về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Một số trường hợp mua, bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối. Ngoài ra, cũng có cửa hàng bán xăng dầu kém chất lượng, không có giấy phép kinh doanh hoặc hết hiệu lực.
Theo kế hoạch, năm nay, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu. Danh sách kiểm tra sẽ có 6 doanh nghiệp đầu mối và 8 thương nhân phân phối. Ngoài số này, cơ quan quản lý cũng kiểm tra, xử lý 24 doanh nghiệp (4 đầu mối, 20 thương nhân phân phối) có dấu hiệu vi phạm qua rà soát báo cáo.
Phương Dung