Thảo luận chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên nghị trường sáng 27/5, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, đề xuất hình phạt "thiến hóa học". VnExpress phỏng vấn ông Phương về đề xuất này.
- Căn cứ nào khiến ông đưa ra đề xuất trên?
- Tình trạng xâm hại trẻ em đã và đang diễn ra đáng báo động. Báo cáo giám sát của Quốc hội tại 17 địa phương từ năm 2015 đến 2019 cho thấy, chỉ trong gần 4 năm, cả nước xảy ra gần 8.500 vụ với 8.700 trẻ bị xâm hại. Trong số đó, số vụ bị xâm hại tình dục là gần 6.500. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến với 1.400 cháu, trung bình mỗi ngày 7 trẻ trở thành nạn nhân.
Dù thực trạng nhức nhối như vậy, hệ thống pháp luật hiện chưa đủ sức răn đe. Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức, từ hai lần trở lên, đối với hai người trở lên... thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Thực tế giám sát, được tiếp cận với báo cáo của toà, viện, được gặp gỡ với người dân có con em bị xâm hại, tôi thấy được nỗi đau của nạn nhân. Xâm hại các em phần lớn là người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột với những thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ để phạm tội, có tội phạm lặp đi lặp lại nhiều lần mà đó là ông nội, cha ruột, dọa sẽ giết con cháu nếu dám nói sự thật.
Không biết bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Không biết còn bao nhiêu kẻ thủ ác lại tiếp tục phạm tội nếu pháp luật chưa đủ sức xử lý và răn đe? Vì vậy, rất cần phải có biện pháp mạnh hơn, trong đó "thiến hóa học" là cách trừng phạt tôi cho rằng kẻ thủ ác sẽ phải chùn chân trước khi phạm tội.
- Nhưng thiến hoá học sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, ông nghĩ sao?
- Đây là hình phạt dành cho kẻ phạm tội, mà tội phạm liên quan trẻ em nên rất cần nghiêm khắc. Hình phạt này cũng được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Ba Lan, ở châu Á có Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia... và cho hiệu quả rất tốt.
"Thiến hóa học" không phải là hoạn, mà là tiêm thuốc hoặc uống hormone kháng hormone sinh dục giới (nam là testosterone, nữ là estrogen) để người uống không còn ham muốn hoặc ham muốn tình dục thấp, thậm chí cả suy nghĩ về tình dục cũng biến mất.
Tuỳ theo mức độ phạm tội mà người vi phạm có thể được tiêm với mức độ nặng nhẹ khác nhau, cũng như chỉ tội phạm vi phạm nghiêm trọng mới bị tuyên tử hình. Kẻ xâm hại cũng tuỳ theo hành vi vi phạm mà có thể bị phạt hành chính, đi tù, thiến hoá học. Tiêm thuốc cũng chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định, như trong 1-2 năm, nếu người vi phạm cải tạo tốt thì sẽ được trở lại bình thường.
Thiến hóa học không ảnh hưởng đến khả năng có con, duy trì nòi giống. Chi phí mỗi lần tiêm tôi được biết cũng không quá đắt, khoảng vài triệu đồng.
- Ông đánh giá tính khả thi của đề xuất này như thế nào?
- Do nhiều nước đã áp dụng, điển hình như Mỹ đã thực hiện nhiều năm qua nên tôi cho rằng biện pháp này có tính khả thi rất cao. Kẻ phạm tội bị trừng trị thích đáng và nó cũng khiến những người đang có ý định thực hiện hành vi đồi bại chùn bước.
Tuy nhiên, luật Việt Nam chưa từng có quy định này. Người dân và ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng chưa hiểu rõ thiến hóa học là như thế nào. Vì vậy, cần tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu rõ, từ đó sẽ đạt được sự đồng thuận.
Tôi cũng rất mong cơ quan chức năng cho nghiên cứu cụ thể đề xuất này, đánh giá tác động của nó để làm căn cứ cho quá trình xây dựng pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em thời gian tới.
- Sau khi phát biểu nội dung trên ở nghị trường, ông nhận được phản hồi ra sao?
- Có nhiều đại biểu Quốc hội thông qua mạng xã hội bày tỏ ủng hộ phương án đề xuất của tôi. Cũng có người dân nhắn tin cho biết họ từng là đứa trẻ lang thang và bị xâm hại nhưng kẻ làm việc đồi bại đó là khách du lịch sau đó đã đi mất. Người này đề nghị tôi kiến nghị chế tài nghiêm khắc đối với người vi phạm là khách du lịch nước ngoài.
Nhiều người khác thì cổ vũ tôi và nhấn mạnh nhân đạo với loại tội phạm xâm hại trẻ em là tội ác với thế hệ tương lai của đất nước, bởi hành vi của chúng có thể hủy hoại, tàn phá cả cuộc đời của nạn nhân.
Tiếp nhận những thông tin đó, với tư cách là đại biểu của dân, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi kiến nghị trong suốt quá trình hoạt động tại nghị trường. Không chỉ mong "thiến hóa học" trở thành một chế tài được quy định trong luật, tôi cũng muốn nhiều hình phạt bổ sung khác được áp dụng đối với loại tội phạm nói trên, như công khai tên tuổi, ghi vào hồ sơ lý lịch, cấm vĩnh viễn đến những nơi có mặt của trẻ em...