Theo IFL Science, vùng trũng Danakil nằm giữa núi lửa Dallol và hồ Assal, Ethiopia có độ sâu hơn 100 m dưới mực nước biển. Hơi clo và lưu huỳnh trôi lơ lửng phía trên các hồ nước muối trong khu vực. Magma núi lửa liên tục đun nóng nước mưa và nước muối tới nhiệt độ 90 độ C, tạo ra hỗn hợp có tính axit cao, bao gồm muối của lưu huỳnh, đồng và sắt.
Các hợp chất muối tích tụ và cô đọng lại, khiến mặt đất chuyển thành màu vàng, đỏ, xanh lá cây. Tuy vẻ đẹp của vùng trũng Danakil được ví như thiên đường, đây là một trong những nơi không chào đón du khách ghé thăm do môi trường rất độc hại.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm sinh vật học vũ trụ ở Madrid, Tây Ban Nha, tiến hành chuyến thám hiểm từ đầu tháng 4, dự kiến kéo dài 3 tháng, nhằm khảo sát địa chất và các dạng sống tại vùng trũng Danakil, nơi diễn ra hoạt động địa nhiệt mạnh mẽ.
"Có rất ít công bố khoa học về vùng trũng Danakil, và không có mô tả về sinh vật ở đây. Chúng tôi muốn khám phá vùng đất mới theo cách nhìn khoa học", Felipe Gómez Gómez, người dẫn đầu đoàn thám hiểm, cho biết.
Nhóm nghiên cứu quan tâm đến những dạng sống có thể tồn tại trong môi trường độc hại và khắc nghiệt ở khu vực. Ngoài việc đo thông số môi trường như độ pH, nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ oxy trong nước, họ cũng thu thập mẫu vi khuẩn chịu cực hạn extremophilic.
Bằng cách nghiên cứu ADN của extremophilic, các nhà khoa học hy vọng tìm ra phương pháp giúp con người tồn tại trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, cũng như tìm hiểu cách thức sự sống phát sinh trên hành tinh khác.
"Đây là một nơi tuyệt vời nhưng độc hại, với nhiệt độ ban ngày khoảng 42 độ C và ban đêm là 30 độ C. Hơi clo đốt cháy đường hô hấp của con người. Tất cả sinh vật sống ở đây đều là extremophile, loại vi khuẩn có thể thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt", Gómez chia sẻ.
Xem thêm: Nơi sự sống phát triển ở nhiệt độ sôi.
Lê Hùng