Người phụ nữ 28 tuổi đã làm phẫu thuật cắt bỏ khoảng 80% dạ dày để giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Trong 4 tuần đầu tiên, Marshall chỉ được phép tiêu thụ đồ ăn dạng lỏng và thực phẩm xay nhuyễn.
Marshall là một trong số rất nhiều phụ nữ tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ để thu nhỏ dạ dày. Quốc gia này gần đây trở thành thiên đường mới của phẫu thuật thẩm mỹ, bên cạnh các nước Đông Âu như Lithuania, Ba Lan và Latvia. Chi phí tại đây thấp hơn 50% so với Anh. Như ca mổ thu gọn dạ dày của Marshall tốn 3.100 bảng, trong khi ở Anh, cô sẽ phải trả tới 10.500 bảng. Mặt khác, thời gian chờ đợi phẫu thuật tại Anh có thể lên đến vài năm với nhiều yêu cầu chặt chẽ.
Jonathan Edelheit, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Y tế, cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ là nước đi đầu trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh vì có mức giá gần như rẻ nhất thế giới". Tuy nhiên, ông chia sẻ lo ngại về tính toàn vẹn của ngành công nghiệp, vốn gia tăng chóng mặt trong những tháng gần đây.
"Nó chẳng có luật lệ gì cả, nên bạn cần cẩn thận", ông nói.
Đầu năm nay, chính phủ Anh cập nhật khuyến nghị, cho biết 20 công dân Anh đã tử vong sau khi du lịch y tế ở nước này, kể từ tháng 1/2019. Đây là ngành không được quốc tế quản lý, vì vậy có rất ít dữ liệu so sánh tỷ lệ biến chứng sau thủ thuật tại các nước khác nhau.
Trước khi thu nhỏ dạ dày, Marshall đã tham gia nhóm Facebook dành cho các nạn nhân phẫu thuật thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi muốn nghe về cả mặt tốt, mặt xấu", cô nói.
Cô vừa phấn khích, vừa nôn nóng vì muốn đạt được mục tiêu giảm cân mơ ước, song cũng sợ hãi những biến chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên, sau thời gian suy nghĩ, Marshall vẫn quyết định di chuyển 4 tiếng tiếng để phẫu thuật. Lướt qua phần bình luận, cô mê đắm trước hành trình biến đổi và tốc độ giảm cân của những phụ nữ khác.
Thực tế, truyền thông xã hội và các diễn đàn như vậy trở thành bệ đỡ cho ngành du lịch y khoa của Thổ Nhĩ Kỳ. Các thẩm mỹ viện thành lập nhóm kín dành cho khách hàng tiềm năng, nơi khách hàng cũ chia sẻ câu chuyện phẫu thuật thành công. Trong các nhóm tư vấn công khai, phụ nữ kể về tiến trình cải thiện cơ thể sau khi làm dịch vụ nâng mông Brazil. Những người khác tìm kiếm lời khuyên cho các loại phẫu thuật cụ thể.

Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
Từ những cuộc trò chuyện, Marshall chú ý đến cái tên nổi bật: tiến sĩ Tuna Bilecik, được biết đến với danh xưng "Dr. Tuna" trên nhiều diễn đàn.
Sau các ca phẫu thuật, bác sĩ Bilecik thường nhờ bệnh nhân của mình kết nối với những khách hàng tiềm năng khác. Bệnh nhân cũ nay trở thành đối tác kinh doanh, điều phối viên tư vấn, nhân viên nội bộ của công ty do Bilecik đứng đầu.
Đây là hiện tượng khá phổ biến. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Thổ Nhĩ Kỳ dần tư nhân hóa trong 20 năm qua, khiến nhiều bác sĩ rời viện công, mở cơ sở riêng. Họ thuê trợ lý, tài xế và phiên dịch. Các công ty lữ hành hoạt động như nền tảng trung gian, tổ chức những chuyến du lịch y tế, kết nối bệnh nhân với thẩm mỹ viện đối tác.
"Tất cả mọi liên lạc đều thông qua ứng dụng WhatsApp. Điều phối viên gọi điện tư vấn. Tôi thấy khá lạ về điều này vì họ không phải chuyên gia y tế. Đây chỉ là những phụ nữ đã trải qua điều tương tự như tôi (từng phẫu thuật thẩm mỹ)", Marshall kể lại.
Nhiều bệnh nhân chỉ được nói chuyện với chuyên gia y tế một ngày trước khi phẫu thuật. Chrissy Forster, 38 tuổi, có trải nghiệm này vào tháng 4/2021. Trước khi đến bệnh viện, cô chỉ được điền vào một bảng câu hỏi y tế.
"Tôi thực sự cảm thấy buồn vì bản thân đã tuyệt vọng đến mức sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy", cô nói.
Giống với Marshall, Forster sẵn sàng bỏ qua những bất tiện trong quá trình di chuyển, đặt phòng, bởi Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp điều mà Anh không có: dịch vụ vừa nhanh vừa rẻ. Cô phải trả tổng cộng 3.205 bảng Anh cho chuyến bay, chỗ ở và cả ca phẫu thuật. Bệnh viện cũng tặng gói làm trắng răng và tiêm Botox miễn phí.
Dawn Benham, 43 tuổi, trải qua một cuộc phẫu thuật "tân trang cho phụ nữ sau sinh" hồi tháng 4/2019. Trở về nhà, cô nhận ra một bên ngực của mình cao hơn bên còn lại, quầng vú có hình dạng kỳ lạ, việc hút mỡ bụng không đồng đều.
Benham nằm trong nhóm Facebook với 2.000 thành viên từng phẫu thuật thẩm mỹ thất bại. Nhiều phụ nữ bày tỏ lo lắng về những vết sẹo khổng lồ, tình trạng giảm ham muốn tình dục. Nghiêm trọng hơn, có người bị nhiễm trùng huyết vì thẩm mỹ viện không đảm bảo vệ sinh, khâu chăm sóc hậu phẫu có vấn đề dẫn đến biến chứng.
"Tôi không nhận ra các vấn đề đó khi còn ở viện. Nhưng tôi cảm thấy thất vọng vì họ thiếu chuyên nghiệp, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không để ý đến hậu quả sau đó", Benham nói.
Khi liên lạc với bệnh viện, cô được thông báo phải chờ đợi tới một năm để chỉnh sửa lại. Đến lịch hẹn, nhân viên y tế cho biết bác sĩ phẫu thuật của cô không còn làm việc ở bệnh viện nữa và họ sẽ bố trí một bác sĩ khác. Tuy nhiên, đại dịch ập đến, Benham không còn nhận được bất cứ hồi âm nào.

Nhiều bệnh nhân bất chấp rủi ro đến đến Thổ Nhĩ Kỳ phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Pexels
Mert Karakuzu, chủ sở hữu của công ty du lịch y tế Estetica Istanbul, cho biết ngành công nghiệp du lịch thẩm mỹ đang dần bão hòa. Các bệnh viện hiện tập trung vào số lượng bệnh nhân hơn là chất lượng mỗi ca phẫu thuật.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra các biện pháp để vừa điều chỉnh, vừa khuyến khích mở rộng ngành này, gồm miễn thuế VAT cho bệnh nhân nước ngoài. Quốc gia đặt mục tiêu thu hút 1,5 triệu khách vào năm 2023, tạo thu nhập 10 tỷ bảng Anh từ ngành công nghiệp.
Năm 2017, Bộ Y tế ban hành các quy định bắt buộc nhằm tiêu chuẩn hóa du lịch y tế tại các bệnh viện. Phòng khám và các cơ sở y tế phải có giấy phép Du lịch Y tế Quốc tế. Bộ cũng đề ra mức giá, mức khuyến mại và các yêu cầu đối với các bác sĩ phẫu thuật.
Dù vậy, ông Karakuzu cho rằng chế tài này là chưa đủ. Chính phủ chưa thực hiện chặt chẽ quy định, chưa rà soát, đóng cửa những thẩm mỹ viện bất hợp pháp.
Cheryl Palmer-Hughes, luật sư của công ty Irwin Mitchell của Anh, đang giải quyết nhiều khiếu nại phát sinh từ các ca phẫu thuật ở nước ngoài. Bà cho rằng còn quá sớm để chỉ rõ các vấn đề chung của toàn ngành, bởi du lịch y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển ồ ạt trong vài năm qua.
Theo USHAŞ, một công ty chăm sóc sức khỏe của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này trở thành điểm nóng về du lịch y tế, thu hút gần 600.000 người trong nửa đầu năm 2022. Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế xếp Thổ Nhĩ Kỳ trong số 10 quốc gia hàng đầu thực hiện các loại phẫu thuật phổ biến nhất như nâng ngực, cắt mí, thu gọn vòng eo, hút mỡ và nâng mũi. Quốc gia cũng đứng thứ 5 về tổng số ca phẫu thuật thực hiện năm 2020.
Thục Linh (Theo Vice)