Covid-19 cản trở kế hoạch thúc đẩy du lịch và giải trí, những lĩnh vực vốn được kỳ vọng giúp đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ của Arab Saudi. Nhưng đại dịch cũng tạo ra một thị trường béo bở, khi những người giàu có ở Arab Saudi phải chi tiền tại quê nhà.
Ốc đảo Riyadh, nơi nghỉ dưỡng cao cấp được mệnh danh là thiên đường sa mạc với hàng cọ bao quanh bể bơi, nhà hàng, lều nghỉ sang trọng, đang tìm cách thu hút những người Arab Saudi nhiều tiền nhưng không thể ra nước ngoài du lịch.
Khu nghỉ dưỡng này là nỗ lực mới nhất của chính phủ nhằm đảo ngược xu hướng chi hàng tỷ USD ra nước ngoài nghỉ dưỡng suốt hàng chục năm qua của người Arab Saudi.
"Nước, cọ và cát", một hướng dẫn viên Arab Saudi giới thiệu với khách hàng tới khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô, nơi hàng dãy xe sang từ Bentley tới Maserati đang xếp hàng. "Ốc đảo có mọi thứ".
Ốc đảo khai trương vào giữa tháng 1, nhằm phục vụ mùa nghỉ dưỡng dài ba tháng của người Arab Saudi. Nó có giá vé vào cửa đắt đỏ, khiến những người có thu nhập thấp hơn bất bình bởi không thể vào được khu giải trí đầu tiên mở cửa từ khi đại dịch bùng phát.
"Ốc đảo phục vụ khách hàng giàu có, những người không thể tới Mỹ hoặc châu Âu để nghỉ dưỡng thường niên", một chủ ngân hàng tại Riyadh nói.
Trong nhiều thập kỷ, do thiếu các hoạt động giải trí trong nước, công dân Arab Saudi và những quốc gia dầu mỏ ở Vùng Vịnh luôn được các nước châu Âu coi là khách sộp.
Theo nhóm Nghiên cứu và Thị trường có trụ sở tại Dublin, thị trường du lịch nước ngoài hàng năm của Arab Saudi dự kiến tăng lên 43 tỷ USD năm 2025. Năm 2019, người dân Arab Saudi đã chi 18,7 tỷ USD du lịch nước ngoài.
Chính phủ đang muốn giành lấy khoản chi tiêu này nhằm phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Arab Saudi mới ra tuyên bố cấm người dân du lịch nước ngoài từ 31/3 tới 17/5.
Chính phủ cho hay quyết định này được đưa ra bởi lô vaccine Covid-19 mà họ đặt hàng đang bị trì hoãn. Arab Saudi đã ghi nhận hơn 383.000 ca nhiễm và hơn 6.500 ca tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, động thái này cũng khiến người dân nghĩ rằng chính phủ muốn thúc đẩy kinh tế bằng tăng chi tiêu trong nước.
Dữ liệu cho thấy lượng khách du lịch trong nước và đặt phòng khách sạn tăng đột biến. Nhưng thành công có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Công ty du lịch Almosafer vừa công bố khảo sát cho thấy hơn 80% người Arab Saudi lên kế hoạch ra nước ngoài du lịch trong vòng 6 tháng sau khi lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã xác định giải trí và du lịch là động lực chính cải cách kinh tế và đang thúc đẩy chiến lược dài hạn. Cùng với các sự kiện thể thao, lễ hội âm nhạc, hàng trăm rạp chiếu phim đã lên kế hoạch mở cửa sau khi lệnh cấm kéo dài một thập kỷ được dỡ bỏ năm 2018.
Arab Saudi đang xây dựng một thành phố giải trí giống Walt Disney có tên Qiddiya và một resort sang trọng dọc Biển Đỏ, hai dự án trị giá hàng trăm tỷ USD.
"Những dự án này sẽ khuyến khích người dân chi tiêu nội địa nhiều hơn", theo báo cáo năm 2019 của hãng tư vấn McKinsey. "Hơn 50% số tiền người Arab Saudi chi cho các dịch vụ giải trí và nghỉ dưỡng là ở ngoài vương quốc, còn hàng xa xỉ là gần 70%".
Có điều, chi phí dịch vụ giải trí đắt đỏ khiến nhiều người không hài lòng, đặc biệt sau khi chính phủ nâng thuế giá trị gia tăng lên gấp ba vào năm ngoái, ảnh hưởng tới tiền tiết kiệm của các hộ gia đình. Giá thuê một chiếc lều tại ốc đảo lên tới 3.500 USD.
"Số tiền này gần bằng một tháng lương của tôi", một nhân viên truyền thông Arab Saudi nói. "Mọi người trong cơ quan tôi hay đùa rằng túp lều này chỉ dành cho người thuộc tầng lớp chỉ dùng giấy vệ sinh làm bằng lụa thật. Các dịch vụ này chỉ dành cho người thuộc tầng lớp siêu giàu".
Adel Alrajab, giám đốc điều hành của Seven Experience, một trong những công ty tham gia thành lập Ốc đảo Riyadh, thừa nhận nó không "dành cho tất cả mọi người".
"Chắc chắn là không phải ai cũng có thể tới những khách sạn 5 sao, 6 sao nghỉ dưỡng rồi", ông nói.
Năm 2019, Turki al-Sheikh, người đứng đầu Tổng cục Giải trí của Arab Saudi, bị chỉ trích sau khi đề nghị người dân gặp khó khăn tài chính có thể vay tín dụng để chi cho các hoạt động giải trí.
"Chiến lược 'chỉ dành người giàu' có thể phản tác dụng", một quan chức phương Tây làm việc ở Vùng Vịnh nhận xét. "Chính phủ cần tìm ra điểm cân bằng giữa mức giá và đảm bảo nhiều người Arab Saudi được hưởng các dịch vụ giải trí này hơn".
Hồng Hạnh (Theo AFP)