Một sáng chủ nhật đầu tháng 3, hơn chục chiếc ôtô đậu trước cửa khu đất rộng lớn trải dài nằm trên đảo Kauai, hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hawaii, với khoảng 70.000 dân sinh sống. Khu nhà bao quanh bởi tường đá núi lửa cao hơn 2 mét bình thường đóng im, nay đã mở. Tấm biển ghi "Tài sản tư nhân, vui lòng không xâm phạm" đặt bên cạnh cổng ra vào.
Vùng đất với diện tích 283 ha tại đảo Kauai được CEO Facebook Mark Zuckerberg và vợ là Priscilla Chan mua năm 2014 với giá 100 triệu USD. Năm 2018, họ tiếp tục mua thêm một khu đất nữa với giá 45,3 triệu USD, nâng tổng diện tích lên hơn 300 ha.
Khu đất của ông chủ Facebook được đánh giá là một thiên đường bởi cảnh quan tuyệt đẹp: nhiều dòng suối nhỏ chảy ra biển, thung lũng phủ đầy cây xanh, cánh đồng với đàn gia súc nhởn nhơ gặm cỏ... Đồng thời, nơi đây cũng có đường bờ biển dài và hoang sơ, chưa bị con người tác động nhiều.
Tuy nhiên, việc biến nó thành "của riêng" không phải dễ, bởi khu vực này không hoàn toàn thuộc về Zuckerberg. Bên trong, vẫn có những khoảnh nhỏ gọi là Kuleana, do các gia đình sống ở đây sở hữu từ nhiều thế hệ và truyền từ đời này sang đời khác. Kuleana được Quốc vương Hawaii ban cho những người tới đây sinh sống từ những thập niên 1850 và người được ban tặng phải có trách nhiệm gìn giữ nó.
Tháng 12/2016, Carlos Andrade, một nhà nghiên cứu văn hóa Hawaii, đã gửi thư đến hàng chục người thuộc dòng dõi Manuel Rapozo - một người nhập cư Bồ Đào Nha từng mua bất động sản tại đảo Kauai vào năm 1894. Những người này đang có hàng trăm khoảnh đất nằm bên trong khu của Zuckerberg. Bức thư thông báo họ sẽ hầu tòa, đồng thời một công ty có tên Nothshore Kalo LLC muốn mua đất.
Tháng 1/2017, một tờ báo địa phương đăng tải bài viết về Nothshore Kalo LLC, chỉ đích danh đâychỉ là công ty ma do ông chủ Facebook đứng sau. Cũng trong thời gian này, Zuckerberg được cho là đang tìm cách sở hữu lại 8 khoảnh nhỏ nằm rải rác bên trong khu đất của ông.
Zuckerberg phản ứng gay gắt về phát hiện của tờ báo trên, nhưng sau đó từ bỏ vụ kiện vào tháng 1/2017. Sau hai năm, tòa án ra quyết định các khoảnh đất còn lại sẽ đấu giá công khai, vào ngày 22/3 tới. Tại tòa, những người có Kuleana có hai lựa chọn: bán đất, hoặc tìm cách chiến thắng đấu giá. Nhưng nếu họ thua kiện, họ còn phải trả tiền án phí cho ông chủ Facebook.
Những người đến thăm khu đất của Zuckerberg đầu tháng 3 vừa qua gồm luật sư, nhà báo, những người dân Kauai và cả nhân viên Facebook. Trên lý thuyết, họ có thể tham gia đấu giá, nhưng chủ yếu là muốn vào tham quan "vùng đất cấm". "Tôi chỉ tò mò muốn biết bên trong như thế nào vì có rất nhiều tin đồn về khu đất", Steph Klockenbrink, một người dân địa phương cho biết. "Gần như nó bị đóng kín mọi lúc, nên vào được bên trong là cơ hội hiếm hoi", Matthew James, một kiến trúc sư, nói.
Tuy vậy, cũng có những người vào để thăm dò. "Bán đất là một tội ác. Nó đã vĩnh viễn thuộc về người dân. Bạn không sở hữu Kuleana, gia đình bạn thuộc về chúng", Kaiulani Mahuka, một người dân sống trên đảo, nhấn mạnh.
Thế nhưng, có vẻ như Zuckerberg không nghĩ vậy. Dù đã từ bỏ vụ kiện, ông được cho là vẫn đứng sau một số nhân vật sẽ tham gia phiên đấu giá. "Zuckerberg sẽ là người mua cuối cùng, bởi ông ta muốn những mảnh đất đó", bà Mahuka chia sẻ. "Có thể đây là lần cuối chúng tôi chiến đấu, dù biết rất khó thắng. Sẽ có người nói rằng Zuckerberg vô can, nhưng tôi cho rằng người khác khó lòng có số tiền lớn để mua".
Những mảnh đất sắp đấu giá được định giá khoảng 229.000 - 459.000 USD.
Một số người dân địa phương cho rằng, người đứng đầu Facebook muốn lấy bờ biển làm của riêng. Vùng đất của ông có khoảng hơn 3km bờ biển. Theo luật pháp tại Hawaii, mọi người đều có quyền vào các bãi biển. Tuy nhiên, họ không làm điều đó một cách dễ dàng ở khu đất của Zuckerberg. "Trước 2014, tôi có thể đi bộ xuống bờ biển, nhưng sau đó thì không, bởi chúng đã bị rào lại", một người địa phương nói.
Bảo Lâm (theo Gizmodo)