Cô gái làm trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trước đây luôn có mặt lúc bạn bè cần, nhưng khi đề nghị đi chơi để giải tỏa căng thẳng Trang thường bị từ chối vì bận. "Không hẹn được ai tôi đành ở nhà vì không muốn ra ngoài một mình. Có lẽ tôi lệ thuộc vào người khác quá nhiều", cô kể.
Nhưng hai năm dịch bệnh tạo cơ hội để Kiều Trang trải nghiệm lối sống một mình. Lần đầu thử xem phim, ăn lẩu một mình, cô nói thấy chạnh lòng, tủi thân, có cảm giác bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt thương hại. Nhưng sau vài lần, Trang bắt đầu thích cảm giác "chỉ có ta và thế giới" và được chủ động làm mọi việc không cần chờ đợi ai.
Minh Nhật, 30 tuổi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhân viên tiếp thị, cho biết lối sống một mình rất thích hợp với người hướng nội như anh. "Tôi dành 8 tiếng để giao tiếp với khách hàng, trò chuyện với đồng nghiệp, nên buổi tối và cuối tuần tôi muốn dành cho riêng mình", anh nói.
Có điều lối sống của anh lại khiến gia đình nghi ngờ là dấu hiệu của chứng trầm cảm và yêu cầu đi kiểm tra tâm lý. "Các kết quả kiểm tra của tôi đều bình thường. Tôi thích lối sống này vì tự do, hạn chế những cuộc chơi vô bổ, lọc bớt mối quan hệ kém chất lượng chứ không phải muốn tách biệt với xã hội", Nhật giải thích.
Lối sống mà Minh Nhật, Kiều Trang đang lựa chọn, khá phổ biến ở Nhật Bản với tên gọi "Ohitorisama" (một người, một mình). Thuật ngữ này chỉ những người thích trải nghiệm các hoạt động ăn uống, giải trí, du lịch một mình, không có người đồng hành. Thay vì cảm giác cô đơn họ thấy thoải mái, làm chủ cuộc sống và không bị làm phiền.
Tại Việt Nam, chưa nghiên cứu hay thống kê cụ thể nào về hiện tượng này nhưng khảo sát năm 2021 của một trang tin về giới trẻ trên mạng xã hội với 5.000 người trẻ (trong độ tuổi 20-30), khoảng 50% cho biết họ đang và sẽ lựa chọn cuộc sống một mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Phân viện Hành chính quốc gia TP HCM, khẳng định lối sống một mình của người trẻ không mới, có điều trong giai đoạn gần đây có dấu hiệu phổ biến hơn.
Có nhiều lý do khiến người trẻ thích sống một mình nhưng bà Minh chỉ ra bốn nguyên nhân chính. Một là áp lực về học tập, công việc, các mối quan hệ khiến người trẻ mệt mỏi và lười giao tiếp; hai là dịch bệnh khiến nhiều người thích nghi khi sống một mình; ba là truyền thông đại chúng thúc đẩy lối sống phát triển; và cuối cùng hiểu được giá trị khi sống một mình.
Thục An, 25 tuổi, ở quận Bình Thạnh (TP HCM) từng nghĩ sống một mình chỉ dành cho người bị cô lập, tẩy chay, hoặc có tính cách dị biệt còn người bình thường không thể sống thiếu bạn bè. Nhưng mọi việc thay đổi khi An liên tục xem các video chia sẻ trải nghiệm đi chơi, ăn uống một mình trên mạng xã hội và tò mò muốn thử.
"Mọi thứ thú vị hơn tôi nghĩ trong lần đi xem triển lãm tranh một mình. Không cần để ý đến cảm xúc của bạn bè hoặc ép buộc ai đó đi cùng, tôi thoải mái tìm hiểu các bức tranh đến khi chán. Và đặc biệt hơn, ở triển lãm đó có nhiều bạn trẻ cũng đến một mình", cô tiết lộ.
Cuối tháng 6, cô gái 25 tuổi thử đón sinh nhật một mình tại Đà Lạt. Trải nghiệm này giúp An được sống chậm, lắng nghe bản thân, trò chuyện với người dân bản địa để hiểu hơn về cuộc sống. An nói hài lòng với lối sống "một người, một mình", nhưng cũng không từ chối các chuyến đi cùng bạn bè nếu sắp xếp thời gian phù hợp.
"Số người chủ động chọn lối sống này sẽ tăng khi thấy những mặt tích cực như được tự do, thoải mái sống trong thế giới riêng; tiết kiệm chi tiêu; chủ động, tự lập hơn trong cuộc sống lẫn công việc", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh nhận định.
Giới kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam khá nhanh nhạy với xu hướng này. Từ năm 2018, một số quán ăn tại Hà Nội và TP HCM bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khách đi một mình với không gian tách biệt cùng nhiều chính sách ưu đãi.
Nguyễn Trang, 22 tuổi, nhân viên phục vụ của một chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng tại Hà Nội nhận thấy xu hướng đi ăn một mình trở nên phổ biến sau dịch. "Trước đây những thực khách đi ăn một mình thường bị để ý, soi xét thì nay rất bình thường. Số khách đến ăn một mình chiếm 10-15% và có xu hướng tăng", nữ nhân viên nói.
Các rạp chiếu phim cũng ghi nhận mức tăng nhẹ với nhóm khách đi xem một mình. Theo quản lý một rạp chiếu phim tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), năm 2021 đơn vị thống kê có 8-9% khách đi xem một mình. "Năm nay chúng tôi chưa có con số cụ thể nhưng chắc chắn nhiều hơn các năm trước", vị này nói.
Ông Lê Công Năng, tổng giám đốc công ty du lịch Wondertour, cho biết xu hướng đi du lịch một mình ngày càng phổ biến và có tiềm năng phát triển. Theo quan điểm của một nhà tổ chức tour, ông cho rằng nhiều khách hàng lựa chọn đi du lịch một mình vì muốn chủ động thời gian, không bị lệ thuộc; mong tiết kiệm chi phí; thử thách và phát triển bản thân; hoặc muốn cải thiện các kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề...
Theo thống kê, số lượng khách đặt dịch vụ dành cho một người của công ty ông giai đoạn trước khi du lịch mở cửa (từ đầu 2020 đến tháng 3/2022) chiếm khoảng 60% dưới dạng combo. Hiện tỷ lệ này là 14%, cao hơn 3% so với thời điểm trước dịch. "80% khách đặt tour một mình là nữ giới, tập trung chủ yếu trong độ tuổi 19-24 và 50-65", ông Năng cho biết.
Được cho là một xu hướng lành mạnh, không ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nhưng chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cảnh báo người trẻ không nên chìm sâu vào "Ohitorisama" nếu không muốn các kỹ năng giao tiếp xã hội bị mai một và có thể gặp vấn đề về tâm lý.
Quen sống một mình trong hai năm dịch khiến Đức Anh, 32 tuổi, ở Đồng Nai, chuyển sang làm việc tự do khi công ty yêu cầu quay trở lại văn phòng. "Tôi thấy khó chịu, mệt mỏi khi phải tụ tập đông người hoặc tiếp chuyện ai đó", anh nói.
Nhưng điều khiến Đức Anh không ngờ là vốn từ và khả năng giao tiếp của bản thân bị giảm sút sau thời gian dài không gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp và chỉ trao đổi công việc với khách hàng qua tin nhắn. Thậm chí lối sống một mình còn khiến anh mất các mối quan hệ thân thiết, không còn người tâm sự, bởi liên tục từ chối gặp gỡ bạn bè vì "sợ tốn kém và thấy phiền phức".
"Tôi hài lòng với lối sống này, nhưng đôi lúc vẫn có cảm giác lạc lõng, cô độc và cần được chia sẻ", Đức Anh tâm sự.
Quỳnh Nguyễn