Hiện mỗi ngày, chàng trai làm nghề biên tập và xử lý video ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) tỉnh giấc lúc 8h sáng, ăn sáng và uống cà phê rồi ngồi vào bàn làm việc lúc 10h.
Đây là nhịp sống Đức "chưa từng mơ đến" ở thời điểm trước dịch. Thời đó, anh thường phải dậy lúc 5 giờ sáng để nấu ăn, chuẩn bị cơm trưa và ra khỏi cửa trước 7h để kịp đến công ty cách nhà 15 km. "Trung bình một ngày tôi dành 12-13 tiếng để làm việc, gần như không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng chỉ được 10 triệu đồng mỗi tháng", Đức nói.
Nhưng mọi thứ thay đổi khi anh nhận việc ngoài do công ty tạm ngưng hoạt động vì dịch. Sẵn kinh nghiệm cùng khả năng ngoại giao tốt giúp Đức liên tục có hợp đồng mới. "Hiện tại tôi có thể kiếm 30-40 triệu đồng mỗi tháng hoặc hơn, nên quyết định nghỉ việc", anh nói.
Hồng Nhung, 32 tuổi, ở Thanh Hóa bắt đầu làm freelancer (người làm việc tự do) trong mảng content writer (sáng tạo nội dung cho website) từ năm 2017. Ban đầu, cô dự định làm vài tháng để có thời gian chăm sóc mẹ bị ốm, nhưng sau quyết định gắn bó lâu dài khi thấy làm chủ được thời gian và tăng thu nhập.
Để đạt mức lương 10-15 triệu đồng mỗi tháng, gấp 2-3 lần so với làm công ty, mỗi ngày Nhung cần viết 3-5 bài theo yêu cầu của khách. "Chỉ cần sắp xếp phù hợp, tôi có thể đủ thời gian đi chợ, nấu cơm, giúp mẹ tập vật lý trị liệu và vẫn có thể kiếm tiền lúc rảnh", cô chia sẻ.
Đức hay Nhung được coi là những điển hình của xu hướng làm việc tự do, không thuộc biên chế công ty, tổ chức nào. Xu hướng này xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước nhưng bùng nổ mạnh dưới tác động của đại dịch Covid-19, các công ty chuyển sang chế độ làm việc từ xa để phòng dịch. Nhiều người lao động bỗng nhiên nhận ra làm việc từ xa, giờ giấc linh hoạt là thứ họ tìm kiếm bấy lâu nay.
Khảo sát đầu năm 2022 của công ty tuyển dụng và nhân sự Anphabe tại Việt Nam, với hơn 500.000 thành viên, cho thấy xu hướng chuyển từ việc làm cố định (fulltime) sang làm việc tự do tại Việt Nam đang tăng.
Báo cáo cho biết, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian. Như vậy, 53% nguồn nhân lực Việt đang tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (Gig Economy - nền kinh tế mà người lao động thường làm bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty sẽ thuê người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian).
Khảo sát gần 800 độc giả của VnExpress hôm 16/11 cũng cho kết quả tương tự. Trước câu hỏi "Bạn muốn làm việc tự do hay văn phòng?", 85% chọn công việc tự do, không bị quản lý giờ giấc, chỉ 15% chọn làm hành chính, ngày 8 tiếng.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Chủ tịch hội đồng khoa học, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực cho biết, làm việc từ xa là xu hướng tất yếu, nhất là sau đại dịch khi nhiều người đã thích nghi hoặc tìm thấy giá trị của công việc này. "Sự chuyển dịch này đáng khuyến khích để phát triển kinh tế và không phá vỡ cấu trúc thị trường lao động", ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia, freelance giúp người lao động làm chủ thời gian, chăm sóc bản thân, gia đình và tạo nguồn thu nhập mới cao hơn mức lương cũ.
Với Hữu Đức, làm việc tại nhà giúp anh tăng thu nhập, tiết kiệm tiền thuê trọ khi chuyển về quê, không còn lo cảnh tắc đường, chi phí sinh hoạt cao ở thành phố. Chưa kể, công việc này giúp anh có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch dài ngày không cần xin phép. "Tôi cũng không phải quan tâm đến thái độ của sếp, nín nhịn khách hàng khó tính hay cố hòa hợp với đồng nghiệp", Đức nói.
Năm năm làm freelancer cũng giúp Hồng Nhung đứng ngoài vòng xoáy của biến động kinh tế, không lo bị cơ quan đuổi việc hoặc cắt giảm lương khi được làm chủ công việc. Cô còn tiết kiệm một khoản tiền khá lớn khi giảm mua quần áo, mỹ phẩm hay đi ăn uống cùng đồng nghiệp. "Và hơn hết, tôi có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình", cô nói.
Ngoài cải thiện thu nhập, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, cho rằng làm việc từ xa sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, mức GDP của ngành này có thể chiếm đến 30% tổng GDP cả nước đến năm 2030.
Theo báo cáo nghiên cứu "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) thực hiện, nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP, cao gấp 7 lần năm 2015, dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, dự kiến tăng trung bình khoảng 29% mỗi năm cho đến 2025.
Ngoài trải nghiệm lối sống mới, tăng thu nhập, một số người chuyển sang làm freelancer do cảm giác kiệt sức khi thường xuyên phải tăng ca, sếp liên tục giao việc từ sáng đến đêm. Ngân Hà, 29 tuổi ở Bắc Ninh, hiện quản lý một blog công nghệ là ví dụ.
Quyết định rời bỏ công việc văn phòng sau 5 năm gắn bó của Hà không phải do lương hay chế độ đãi ngộ thấp, mà cảm giác bị vắt kiệt sức. "Tôi dần thiếu nhiệt huyết, không còn thiết tha đi làm hay gắn bó với công ty. Tôi đi làm chỉ để chấm công", cô nói.
Hà giống như các nhân viên ủng hộ làn sóng "quiet quitting" (âm thầm nghỉ việc) xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Cụm từ này ám chỉ những người chỉ làm đủ, không phấn đấu, không thích đi chơi cùng đồng nghiệp và tắt mọi liên lạc khi hết giờ làm.
Theo các chuyên gia, "quiet quitting" không phải là hiện tượng mới bởi luôn tồn tại những giai đoạn người lao động chán nản, muốn nghỉ việc. Đặc biệt là sau hai năm dịch bệnh, xu hướng này gia tăng trên phạm vi toàn cầu, cho thấy mức độ sụt giảm về độ hài lòng trong công việc.
Ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người theo trào lưu "quiet quitting" nhưng khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe ghi nhận trong quý I/2022 cho thấy tỷ lệ nghỉ việc tại các doanh nghiệp cao nhất so với ba năm trở lại đây, đặc biệt là lao động trẻ. Đến tháng 4/2022, có tới 260.000 trong số gần 4 triệu thành viên tại Việt Nam đã cập nhật trạng thái "Đang tìm việc mới" tức là công khai thông báo sắp nghỉ việc dù vẫn đi làm.
Báo cáo Toàn cảnh lao động 2022 của ManpowerGroup cũng chỉ ra, gần 50% lao động muốn đổi công ty để có phúc lợi tốt hơn, linh hoạt thời gian, địa điểm làm việc. Xu hướng lao động ưu tiên công việc linh hoạt về thời gian, địa điểm cũng được chuyên trang Việc làm tốt chỉ ra trong báo cáo việc làm 6 tháng đầu năm nay. Trên 60% trong tổng số hơn 1.300 công nhân được khảo sát trả lời muốn đổi nghề, tìm việc làm trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng...
Chia sẻ trên VnExpress tháng 6/2022, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt, cho biết từ đầu năm 2022, kỳ vọng thời gian, nơi chốn làm việc linh hoạt được người lao động đặt ngang hàng với mong muốn về tiền lương, phúc lợi.
Bên cạnh những mặt tích cực, các chuyên gia cảnh báo người lao động cần thận trọng khi chuyển việc và xác định rõ freelancer là công việc tự do đồng nghĩa với việc phải tự lo. Họ có thể đối diện với tình trạng thu nhập bấp bênh; tự lo bảo hiểm xã hội; không được hưởng các chế độ phúc lợi từ doanh nghiệp; sức khỏe bị giảm sút do giờ giấc sinh hoạt không điều độ.
"Để tránh trường hợp làm vài tháng rồi quay lại văn phòng, người lao động cần nghiên cứu kỹ tiềm năng của công việc và thế mạnh của bản thân thay vì chạy theo trào lưu", PGS. TS Đỗ Minh Cương đưa lời khuyên.
Sau ba tháng làm tự do, Nhật Hạ, ở TP HCM đang gửi hồ sơ xin việc và đi phỏng vấn trở lại. Cô gái 26 tuổi nói freelancer có thể khiến thu nhập gấp 4 lần, nhưng phải làm liên tục 15-16 tiếng mỗi ngày khiến mắt thâm đen và bị rối loạn giấc ngủ.
"Không phải lúc nào cũng có việc, có tháng tôi chỉ kiếm 2-3 triệu đồng bởi tiền lương phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm khách hàng, trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm và mức độ uy tín của từng cá nhân", cô nói.
Từ ngày chuyển việc, Hạ phải tìm hiểu quy trình đóng bảo hiểm cho lao động tự do, không được hưởng tiền trợ cấp xăng xe, sinh nhật, lương tháng thứ 13, thưởng lễ tết và mất kết nối với đồng nghiệp. Chưa kể, thiếu người giám sát và nhắc nhở dễ khiến cô ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ, làm việc theo tâm trạng, nhiều khi ngủ cả ngày và bắt đầu làm việc lúc đêm muộn, khiến hiệu suất giảm.
"Tự do là ưu điểm của ngành freelancer, nhưng đồng nghĩa với việc lao động phải tự lo mọi việc. Với một người không biết sắp xếp lịch trình, thiếu kinh nghiệm như tôi vẫn nên quay lại văn phòng", Hạ bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn