Thông tin này cũng vừa được xác nhận qua email trả lời của ông Brian Belardi, Giám đốc Đối ngoại của McGraw-Hill Education toàn cầu. Theo đó, kể từ ngày 1/7, các khách hàng và đối tác ở Việt Nam sẽ do văn phòng của McGraw-Hill Bangkok phụ trách.
Trước khi rời Việt Nam, thương hiệu toàn cầu này đã hợp tác với nhiều nhà xuất bản trong việc phân phối các đầu sách dạy tiếng Anh, quản trị kinh doanh, chứng khoán…
Kênh phân phối sách chủ yếu của nhà xuất bản này tại Việt Nam là các chuỗi nhà sách như Fahasa, Phương Nam, Nguyễn Văn Cừ hay nhà sách trực tuyến như Vinabook, Tiki…với giá mỗi đầu sách dao động từ dưới 100 USD đến vài trăm USD.
![]() |
Thị trường sách đang trong những ngày ảm đạm. |
“Thu nhập đầu người mới chạm ngưỡng 1.000 USD/năm, mà một cuốn sách gốc có giá hơn 100 USD thì thật sự mảng kinh doanh sách ngoại văn khó có cửa để tồn tại lâu dài”, ông Huỳnh Ngọc Hưng, nguyên Giám đốc Vinabook nói. Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu của toàn ngành sách Việt Nam năm 2011 đã giảm 25% so với 2010, chỉ đạt chưa đến 2.700 tỷ đồng.
Chưa hết, thị trường đang râm ran tin đồn một đại gia xuất bản khác của Anh là Oxford đang có kế hoạch rút lui. Trưởng Đại diện nhà xuất bản này tại Việt Nam là ông Võ Đại Phúc đã nghỉ việc từ ngày 31/5. Tuy vậy, bà Nguyễn Đoan Trang, Phó Giám đốc văn phòng Oxford tại TP HCM khẳng định tin đồn nói trên là không chính xác.
Tình hình của các doanh nghiệp trong nước cũng không mấy sáng sủa. “Doanh số của các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam đã giảm tới 40% trong nửa đầu năm nay”, ông Nguyễn Văn Phước, Tổng Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt, cho biết.
Mới đây, Công ty Cổ phần Văn Hóa Phương Nam, một trong những đơn vị phân phối sách lớn ở TP HCM, cho biết nửa đầu năm nay đã lỗ hơn 8,8 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp Công ty báo lỗ. Lý do được đưa ra là sức mua giảm mạnh, chi phí lãi vay cùng giá cả mặt bằng, vận chuyển tăng cao.
“Một cuốn sách in 2.000 bản, trả tiền bản quyền đầy đủ, nếu bán hết thì chỉ mới hòa vốn. Lãi thường nằm ở những cuốn sách tái bản với số lượng phải từ 3.000 bản trở lên”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách Thái Hà, nói.
Hơn nữa, vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn không hề giảm, thậm chí ngày càng trở nên phức tạp và đối tượng chịu thiệt nhiều nhất chính là các doanh nghiệp xuất bản.
(Nhịp cầu Đầu tư)