Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý 2, trong khi doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng Sáu tăng ít hơn so với dự đoán đã làm tăng nhu cầu tìm kênh trú ẩn tài sản trong vàng, hỗ trợ cho giá đi lên. Suốt phiên giao dịch châu Á và đầu phiên Âu, giá liên tục tăng điểm, có lúc lên 1.292 USD một ounce, cao hơn mức đáy trong ngày gần 16 USD.
Đà tăng bị hạn chế khi thị trường xuất hiện tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Phần lớn họ đều đang đứng ngoài cuộc và chờ đợi phiên điều trần của chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke trước quốc hội Mỹ vào thứ Tư và thứ Năm tuần này.
Chốt ngày 15/7 tại Mỹ, mỗi ounce vàng giao ngay đứng tại mốc 1.283 USD, giảm nhẹ 2 USD so với mở cửa ngày. Trong khi đó, giá vàng giao tháng Tám chốt ngày quanh 1.282,5 USD, cao hơn khoảng 5 USD so với phiên liền trước.
Sự "lừng khừng" của giá vàng tiếp tục lan sang giờ giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á khi mức biến động của biểu đồ khá nhỏ trong suốt mấy tiếng giao dịch. Tính đến 8h15, mỗi ounce đứng tại 1.282,60 USD, gần như không thay đổi so với mở cửa. Sau 9h, giá có lúc rơi xuống dưới 1.280 USD.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 32,8 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá mở cửa 16/7 của vàng miếng trong nước xoay quanh 37,3-37,6 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới khoảng 4,8 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng thế giới thời gian gần đây thường có nhiều phiên tăng điểm. Giá tăng 5,4% trong tuần trước, tuần tăng mạnh nhất gần 2 năm sau tuyên bố ủng hộ kích thích kinh tế của ông Bernanke.
Trong khi đó, giá trong nước điều chỉnh dè dặt, hoặc giảm nhẹ chủ yếu dựa vào cung cầu và tác động từ các phiên đấu thầu. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu bán ra 26.000 lượng. Nguồn cung liên tục trong khi sức mua yếu đã phần nào giúp độ vênh giữa hai thị trường co hẹp đáng kể.
Lệ Thanh