Chính quyền Đan Đông, thành phố biên giới thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, hôm 13/6 đăng tuyên bố xin lỗi của thị trưởng Hác Kiến Quân về cách chính quyền xử lý đại dịch.
Trong tuyên bố, ông Hác thừa nhận 2,4 triệu cư dân của thành phố đã phải hy sinh rất nhiều, cũng cho biết nhận được "nhiều lời phàn nàn" của người dân về hoạt động của chính quyền trong thời gian phong tỏa ngăn Covid-19.
Thị trưởng Hác không nói rõ những lời phàn nàn mà ông nhận được là về vấn đề gì, nhưng khẳng định "Đan Đông bây giờ sẽ chuyển sang giai đoạn kiểm soát đại dịch chủ động hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn".
Đây là lần hiếm hoi quan chức Trung Quốc công khai nhận lỗi liên quan đến chính sách chống Covid-19. Đan Đông áp lệnh phong tỏa từ cuối tháng 4, yêu cầu người dân ở nhà và tuân thủ biện pháp chống dịch.
Đan Đông hồi tháng 4 ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhưng không xác định được nguồn lây. Giới chức thành phố sau đó áp dụng một số biện pháp được cho là "thiếu tính khoa học" như khuyến cáo người dân đóng cửa sổ hướng về phía Triều Tiên để ngăn nCoV xâm nhập, dù khả năng lây nhiễm qua không khí của virus rất hạn chế.
Giới chức thậm chí còn yêu cầu toàn bộ người dân trong một tòa chung cư chuyển tới khu cách ly tập trung ở thành phố Thẩm Dương, cách Đan Đông khoảng 250 km về phía bắc. Người dân sau đó phát hiện ca F0 khiến họ phải đi cách ly là người sống ở tòa chung cư bên cạnh, làm dấy lên tranh cãi giữa cư dân và chính quyền.
Sau hơn 50 ngày phong tỏa, chính quyền Đan Đông nới lỏng hạn chế, cho phép người dân ra ngoài mua sắm, nhưng chưa thông báo thời điểm họ có thể đi làm bình thường, theo Li Yueqing, chủ một nhà máy chế biến gỗ ở Đan Đông. Chính quyền vẫn áp dụng quy định phong tỏa cục bộ nếu phát hiện ca nhiễm.
"Chúng tôi hiểu tình hình dịch bệnh trên thành phố vẫn chưa ổn định, không biết chính xác lúc nào được phép tái sản xuất", ông Li nói.
Guo, một nhân viên nhà hàng, cho hay thu nhập ảnh hưởng lớn sau gần hai tháng phong tỏa. "Tới giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được chỉ thị nào từ chính quyền về ngày mở cửa lại nhà hàng", Guo nói.
Các đợt phong tỏa dài ngày được áp dụng rộng rãi trong chiến lược "Không Covid" của Trung Quốc. Thượng Hải, trung tâm kinh tế tài chính với 25 triệu dân, bị phong tỏa suốt hai tháng và hàng trăm nghìn người vẫn bị hạn chế đi lại.
Thủ đô Bắc Kinh cũng đã yêu cầu học sinh quay lại học trực tuyến sau khi phát hiện 350 ca nhiễm liên quan tới các quán bar và hộp đêm từ khi được phép mở lại tháng trước. Trung Quốc tới nay ghi nhận hơn 225.000 ca nhiễm, trong đó 5.226 người tử vong vì Covid-19.
Hồng Hạnh (Theo AP)