Thị trường ứng dụng nội dung miễn phí qua Internet (OTT) ở Việt Nam bùng nổ từ năm 2012 nhờ sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh. Trong khi người dùng hưởng lợi từ những dịch vụ nhắn tin, gọi điện không thu phí thì các nhà mạng đối mặt với thực tế doanh thu và lợi nhuận đều suy giảm vì OTT.
Phổ biến và được nhiều người dùng nhất Việt Nam, Viber đang có 12 triệu tài khoản (tính hết tháng 3/2014). Xếp kế sau về lượng người dùng là các ứng dụng Zalo, Line, KakaoTalk, WhatsApp... Facebook có hơn 20 triệu người dùng thường xuyên tại Việt Nam nên cũng có lượng tài khoản sử dụng chương trình Messenger tương ứng (do tiện ích nhắn tin là một phần của mạng xã hội này).
Mới đây, thị trường OTT có thêm BTalk (của Bkav) góp mặt. Bkav cho biết đây là sản phẩm do mình tự phát triển và đặt kỳ vọng cao, hướng đến mục tiêu vượt mặt Viber. Là người tham gia thị trường sau nhưng doanh nghiệp cho biết không xem đó là rào cản mà còn là cơ hội khi hãng có sẵn thị trường hàng chục triệu khách hàng để khai thác.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó chủ tịch phụ trách phần mềm của Bkav không cho biết chi phí cụ thể để phát triển BTalk nhưng khẳng định số tiền không nhỏ. "BTalk là một phần hệ sinh thái mà chúng tôi muốn tạo ra để hình thành hạ tầng viễn thông mới. Do đó, bỏ ra chục năm với kinh phí vài trăm tỷ đồng vẫn đáng để đầu tư", ông chia sẻ. Lãnh đạo Bkav cũng cho biết lúc này chưa tính chuyện doanh thu từ ứng dụng bởi Btalk giống như bước đệm để đạt mục tiêu dài hơi hơn.
Một chuyên gia phần mềm tiết lộ chi phí ban đầu để phát triển ứng dụng OTT (chưa có người dùng và chi phí marketing) có thể rơi vào khoảng từ 5 đến 10 tỷ đồng. "Khi đưa vào vận hành, chi phí hạ tầng sẽ rất lớn và chắc chắn số tiền dành cho marketing sẽ cao hơn rất nhiều", ông khẳng định.
Với khoảng một chục OTT lớn bé khác nhau, ông Nguyễn Tử Hoàng cho rằng: "Thị trường OTT Việt Nam tuy phát triển với tốc độ chóng mặt, thậm chí bùng nổ, nhưng chất lượng chưa được như mong muốn, cho nên có thể nói thị trường này vẫn còn sơ khai". Trong số các phần mềm OTT hiện tại, chỉ có Btalk và Zalo do công ty Việt Nam phát triển.
Con số này có thể thay đổi khi tới đây cả 3 nhà mạng Viettel, Mobifone và Vinaphone đặt chân vào lĩnh vực này. Mới đây, Mobifone đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông xin phép cung cấp ứng dụng OTT của riêng mình. Chi tiết về ứng dụng của Mobifone vẫn chưa được đơn vị công bố.
Theo một chuyên gia, chuyện các nhà mạng tự phát triển OTT không có gì khó khăn và ông cũng khẳng định cả 3 đơn vị đều đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của những chương trình tự phát triển trước khi tung ra thị trường. "Có thể cuối quý III trở đi các doanh nghiệp mới giới thiệu sản phẩm", ông chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia, OTT của các nhà mạng sẽ có lợi thế nhất định so với ứng dụng của các bên thứ 3 do sở hữu tạ tầng, dễ dàng quản lý các vấn đề kỹ thuật. Các OTT hiện tại chỉ có thể kết nối giữa người dùng cùng ứng dụng với nhau, ví dụ tài khoản Viber chỉ liên lạc được với thuê bao dùng chương trình này chứ không thể kết nối được với người dùng Line hay KakaoTalk... "OTT của nhà mạng sẽ xóa được điểm hạn chế này", ông tiết lộ.
Lãnh đạo một nhà mạng lớn từng chia sẻ, khi bắt đầu kinh doanh nội dung OTT, doanh nghiệp sẽ cung cấp gói cước riêng kèm theo và đảm bảo người tiêu dùng không phải trả nhiều lần chi phí cho cùng một dịch vụ (3G và OTT kết hợp). Gói này ưu đãi về giá và dịch vụ dành cho thuê bao. Các OTT của nhà mạng cũng được tải về máy di động miễn phí như những phần mềm cùng chức năng hiện hành và đây có thể trở thành một trong những sản phẩm chiến lược của doanh nghiệp trong mảng dịch vụ giá trị gia tăng khi thoại và nhắn tin không còn là nguồn thu chính.
Doanh nghiệp viễn thông từng giật mình và lo lắng khi ứng dụng trò chuyện miễn phí lan rộng, đánh thẳng vào doanh thu của họ. Sau thời gian căng thẳng đôi bên vì lợi ích bị đụng chạm, nhà mạng xem sự xuất hiện của các OTT là một cú hích để thay đổi mình, tìm hướng đi riêng. Đến lúc này, chính những ứng dụng của bên thứ 3 lại đứng trước mối đe dọa khi đã phải bỏ nhiều tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, chưa kịp thu lợi nhuận, nay lại đối đầu với phần mềm miễn phí từ nhà mạng với nhiều lợi thế hơn.
Do cung cấp chương trình miễn phí, các công ty OTT ban đầu thường chấp nhận lỗ để xây dựng cộng đồng rồi từ đó mới bán quảng cáo, trò chơi, sticker (hình vui nhộn) sử dụng trong lúc trò chuyện hoặc tìm kiếm các doanh nghiệp muốn giới thiệu hình ảnh của mình để hợp tác. Trên thị trường toàn cầu năm 2013, Viber thu về 1,5 triệu USD, lỗ gần 30 triệu USD, trong khi đó WhatsApp đạt 20 triệu USD, Line 318 triệu USD và là đơn vị hiếm hoi có lãi.
OTT đang trở thành từ khoá "hot" trên thị trường ứng dụng di động, dù các nhà cung cấp đang phải tham gia một cuộc đua đầy tốn kém để chinh phục người dùng trong khi vẫn chưa tìm ra cách kiếm tiền từ dịch vụ bởi ở Việt Nam, không nhiều người muốn chi tiền mua thêm vật phẩm trong ứng dụng.
Anh Quân