Ông Nguyễn Anh Khoa - Phó tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Năng lượng của VinaCapital cho biết, thị trường Năng lượng tái tạo Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài sau cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Cop 26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng sự phân bổ công suất trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Tuy nhiên, những vướng mắc về khung pháp lý, khả năng tài chính và năng lực vận hành có thể trở thành thách thức đối nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này.
Việt Nam chiếm lĩnh thị trường năng lượng tái tạo Đông Nam Á
Số liệu trong khảo sát của Chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 599 GW. Việt Nam cũng được đánh giá nằm trong khu vực có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào. Uớc tính khu vực giữa biển Đông và ven bờ Nam Trung Bộ có tổng năng lượng trực xạ và bức xạ khá lớn với tổng năng lượng từ khoảng 3.000 đến 5.000Wh/m2/ngày.
Chỉ trong vòng 5 năm và với xuất phát điểm gần như con số 0, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã phát triển và có công suất điện mặt trời 16,5GW và công suất điện gió là 4GW tính đến cuối năm 2021. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 27% tổng công suất lắp đặt và 12% điện sản xuất. Với sự phân bổ công suất đầy hứa hẹn trong Quy hoạch Điện VIII và cam kết của Chính phủ về mục tiêu net-zero vào năm 2050, năng lượng tái tạo sẵn sàng trở thành một phần quan trọng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, so với các nước khác, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh mẽ ngành năng lượng tái tạo, bởi tiềm năng thiên nhiên lớn về các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau phân bổ rộng khắp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, những hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm các ưu đãi về thuế và áp dụng cơ chế mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo cũng góp phần lớn vào sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Mặc dù có tiềm năng phát triển lớn thì lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức về pháp lý, tài chính..., có thể là điểm nghẽn trong việc khơi thông dòng vốn đầu tư.
Theo đó, khung pháp lý hiện hành về năng lượng tái tạo cần rõ ràng và chặt chẽ hơn để các dự án không bị vướng khung pháp lý trong tiêu chuẩn xây dựng và đưa vào vận hành. Bên cạnh đó là thách thức về mặt tài chính. Mặc dù chính phủ đã cố gắng tự do hóa các chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
"Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do tỷ suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực này", ông Nguyễn Anh Khoa cho biết.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu và các vấn đề về năng lực vận hành cũng là một trong những khó khăn phải kể đến. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Những cơn bão, lũ lụt và hạn hán cùng với mực nước biển tăng làm phức tạp quá trình phát triển và vận hành lưới điện địa Phương. Việt Nam hiện đang thiếu các thiết bị lưới điện thông minh cần thiết và năng lực quản lý cung cầu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.
"Những thách thức này có thể trở thành điểm nghẽn tạo cách biệt giữa ý tưởng đầu tư và việc thực hiện đầu tư đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế", ông Khoa chia sẻ.
Xóa bỏ "điểm nghẽn" để thu hút đầu tư
Phát triển thị trường năng lượng tái tạo đòi hỏi những khoản đầu tư trả trước lớn. Ngày nay, thị trường có rất nhiều nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm cơ hội tham gia vào phát triển kinh tế đất nước và gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam. Những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực này đến từ các nước ASEAN, do họ đã quen thuộc với thị trường và muốn tiếp cận chương trình ưu đãi giá hấp dẫn hơn so với thị trường nước sở tại của họ. Họ chủ yếu tập trung vào mua lại các công ty đang hoạt động. Dần dần, các nhà đầu tư từ các nơi khác trên thế giới, chủ yếu là châu Âu và Mỹ đã chú ý đến tiềm năng to lớn của lĩnh vực này. Vì ít tiếp xúc với thị trường năng lượng Việt Nam, các nhà đầu tư bắt đầu bằng cách làm quen và theo dõi thị trường thay vì đầu tư chủ động.
Ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng, để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược nhằm khơi thông nguồn lực tài chính trong lĩnh vực năng lượng xanh, Việt Nam cần kịp thời đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư ổn định, nhằm mang lại tỷ lệ sinh lời hợp lý Thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách đủ dài và tương đối ổn định với thủ tục pháp lý rõ ràng để thu hút hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Đồng thời, theo ông Khoa, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia phá triển về năng lượng tái tạo trong việc xây dựng và hình thành cơ chế giá cho các nguồn năng lượng mới như hydro xanh, điện gió ngoài khơi hoặc hình thức mua bán điện trực tiếp, đấu giá điện. Việc phát triển nguồn nhân lực có nghiệp vụ và chuyên môn cao cũng cần được ưu tiên để có thể hỗ trợ trao đổi với nhà đầu tư khi họ tìm hiểu về các cơ hội tham gia thị trường Việt Nam.
Hiện, VinaCapital đã hợp tác chiến lược với GS Energy, một tập đoàn năng lượng hàng đầu Hàn Quốc, để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng LGN tại tỉnh Long An với công suất 3.000 MW. Đây được xem là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền nam Việt Nam và mang lại một giải pháp hứa hẹn cho tình trạng thiếu điện của khu vực. Dự án này có khả năng đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành năm 2026. Ngoài ra, trong năm 2019 VinaCapital đã thành lập công ty Sky-X solar tập trung phát triển điện năng lượng mặt trời. Năm 2021, VinaCapital hợp tác với EDF Renewables – công ty năng lượng tái tạo lớn nhất châu Âu – để phát triển đường ống 500MW cho các dự án điện gió ở Tây Nguyên.
Hoàng Phương