Ông CheeHow Teoh, Giám đốc Bộ phận Phụ tùng Aftermarket khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của ZF Aftermarket, nói trong một triển lãm linh kiện đang diễn ra tại TP HCM: "Trong 5 năm tới, số lượng xe mới lưu thông trên đường Việt Nam được dự báo tăng 10%. Bên cạnh đó, tuổi trung bình của xe gần thời điểm đại tu. Chính vì thế chúng tôi đánh giá Việt Nam là thị trường phụ tùng ôtô rất tiềm năng và rất đáng để đầu tư".
Theo nghiên cứu của ZF, hãng Đức danh tiếng chuyên cung cấp linh kiện và hệ thống cho ôtô, hiện tại tổng số xe chở khách (passenger car) đang lưu thông tại Việt Nam là 2,5 triệu xe. Trong đó, độ tuổi trung bình của xe được đánh giá là khá trẻ, chỉ 5,7 năm. Con số này thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới, như Mỹ là 12,5 năm, châu Âu là 12 năm.
Các chuyên gia cho rằng thông thường xe chở khách có thời gian bảo hành là từ 3-5 năm. Sau khi vận hành lâu hơn mốc thời gian này, xe sẽ cần phải đại tu lớn, thông thường là ở cột mốc 6-7 năm tuổi xe. Với những xe thường xuyên di chuyển trên đường xấu, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thời gian cần đại tu xảy ra sớm hơn.
Như vậy, với tuổi xe trung bình gần 6 năm tại thị trường Việt Nam, nhu cầu về linh kiện, thiết bị chính hãng, chất lượng cao để phục vụ cho mục đích bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế đang được đánh giá là sẽ tăng vọt trong thời gian sắp tới.
Thông thường, khi chủ xe muốn thực hiện việc sửa chữa lớn hoặc đại tu, các trung tâm chính hãng thường là sự lựa chọn hàng đầu, vì đó là những nơi trang bị các thiết bị, máy móc chẩn đoán lỗi đúng theo yêu cầu của nhà sản xuất, cùng với đó là nhân công được đào tạo bài bản. Những yếu tố này đã khiến phần lớn khách hàng tin tưởng vào các trung tâm dịch vụ chính hãng hơn là các xưởng sửa chữa không chính hãng trên thị trường, mặc dù chi phí có thể cao hơn.
Đó cũng là một vấn đề mà các chuyên gia nhận định về thị trường tại Việt Nam. Ông Markus Wittig, Trưởng bộ phận xe vận tải hành khách tại ZF Aftermarket, cho rằng thách thức lớn nhất mà thị trường linh kiện ôtô Việt Nam gặp phải là việc thiếu sự hỗ trợ chuyên sâu, bài bản, cùng các công cụ chẩn đoán lỗi cho những người thợ tại các trung tâm sửa chữa độc lập, không chính hãng.
Ôtô mới liên tiếp được giới thiệu ra thị trường, với những công nghệ, linh kiện hoàn toàn mới, độ phức tạp cao. Nếu người thợ không được đào tạo một cách bài bản, trang bị các công cụ chuẩn đoán, kiểm tra lỗi, thì việc sửa chữa, bảo trì cho một chiếc xe sẽ không đạt yêu cầu cao, ảnh hưởng đến nguy cơ an toàn, ngay cả khi đã được cung cấp những linh kiện chính hãng.
Do đó, yếu tố giúp thị trường linh kiện ôtô Việt Nam phát triển, theo ông Markus cho biết, là nâng cao tay nghề của các xưởng sửa chữa độc lập, nhằm khiến họ có nhận thức về việc sửa chữa bài bản, theo quy trình sẽ thu hút khách hàng, tăng độ an toàn cho xe và giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn khi muốn sửa xe.
Ngoài ra, ông Markus cũng cho rằng thị trường linh kiện ôtô được bán qua các kênh tư nhân, xưởng độc lập sẽ có lợi thế về giá so với các xưởng dịch vụ chính hãng. Qua đó, thị trường linh kiện ôtô tại Việt Nam sẽ bùng nổ nếu có sự đầu tư và chung tay từ những nhà sản xuất linh kiện, nhằm xây dựng cộng đồng và truyền cảm hứng cho các xưởng sửa chữa độc lập
Ngoài ra, vấn đề linh kiện giả, chất lượng kém cũng là một thách thức khác mà các nhà sản xuất phụ tùng chính hãng cũng phải lưu ý tới. Việc chọn đúng nhà phân phối, nguồn hàng có hóa đơn, chứng từ là điều quan trọng cho các xưởng sửa chữa độc lập để tránh nhập phải hàng giả. Hơn nữa, các xưởng sửa chữa phải nhận thức rõ các mối nguy hại khi dùng hàng giả, không chính hãng để có thể phổ biến cho khách hàng biết những thông tin này, từ đó hướng họ tới các giải pháp an toàn hơn là dùng những linh kiện chính hãng.
Tân Phan