Tuần rồi, tôi mới nhận được email của thư ký tòa soạn tạp chí Applied Sciences (Khoa học ứng dụng) của nhà xuất bản MDPI. Cô nhắc lại lời mời tôi làm biên tập viên khách mời cho số đặc biệt về "Các hiện tượng điện từ trong hệ điện năng" - một chủ đề chẳng chút liên quan tới chuyên môn của tôi, khoa học vật liệu. Vài ngày trước đó, tạp chí Crystals cũng của MDPI gửi lời mời tương tự.
MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute - Viện Xuất bản số đa ngành) là nhà xuất bản khoa học mới nổi được lập bởi một nhà khoa học ít tên tuổi, Shu-Kun Lin người Hoa. Nắm bắt được xu thế xuất bản khoa học mở từ những năm 2010, MDPI của Lin nhanh chóng đăng ký thành lập hàng loạt các tạp chí hoàn toàn mở - có nghĩa là bất kỳ ai cũng được đọc bài miễn phí. Điều đáng chú ý, nhà xuất bản này đăng ký địa chỉ hoạt động tại Bassel, Thụy Sĩ. Một địa chỉ nhà riêng nhưng toàn bộ nhân sự đều ở nước ngoài, hầu hết ở Trung Quốc, và thường khiến nhiều người nhầm lẫn rằng đây là một nhà xuất bản Thụy Sĩ.
MDPI phát triển nhanh khủng khiếp, nay đã có tới 222 tạp chí với 55 trong số đó lọt vào danh mục ISI (Danh mục các tạp chí khoa học của Viện Thông tin khoa học Mỹ). Mỗi bài báo được đăng, MDPI sẽ thu của tác giả 1.000-2.000 franc Thụy Sỹ - 25 tới 50 triệu đồng. Khác với hầu hết các tạp chí khoa học, các ấn phẩm của MDPI có tốc độ phản biện và xuất bản nhanh đến mức độ siêu tốc, chỉ mất có vài tuần từ lúc gửi bài cho đến khi bài báo được chính thức ra mắt. Có tạp chí của MDPI mỗi tháng đăng tải tới trên dưới 1.000 bài báo.
MDPI rất nhiệt tình "chào hàng". Vài tháng họ lại gửi lời mời tham gia làm biên tập viên khách tới những người từng phản biện cho tạp chí. Làm biên tập viên khách cho các tạp chí khoa học uy tín thể hiện phần nào uy tín học thuật của một nhà khoa học, nhưng với MDPI thì chẳng đơn giản vậy. Nếu nhận lời Christine Zhang, tôi được miễn phí đăng bài của mình, nhưng sẽ phải tích cực mời gọi đồng nghiệp, người quen gửi bài tới tạp chí. Và với mỗi bài báo, họ sẽ "thẳng tay" thu phí tác giả. Toàn bộ số tiền sẽ chui vào túi nhà xuất bản chứ tôi cũng chẳng được xu nào. Bình thường, tôi sẽ bỏ qua các email trên hay từ chối một cách xã giao, nhưng những tranh luận nảy lửa gần đây của cộng đồng khoa học Việt Nam về những "tạp chí săn mồi" (predatory journal) của MDPI khiến tôi muốn nói thêm chút nữa.
Nếu như hơn chục năm trước, số nhà khoa học làm việc ở Việt Nam có công bố quốc tế còn khiêm tốn thì nay, việc công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành (tạm gọi là quốc tế) đã trở nên quá phổ thông trong cộng đồng làm khoa học trong nước. Ở nhiều nơi, sức ép cần có bài báo được đặt ra với các nhà khoa học, đặc biệt với các giảng viên đại học, hay bởi những tiêu chuẩn công bố khoa học đối với các ứng viên phó giáo sư, giáo sư.
"Phong trào" công bố khoa học dĩ nhiên tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy giới khoa học làm việc nghiêm túc hơn nhằm tạo ra các kết quả có nghĩa, xa hơn là khuyến khích họ theo đuổi các nghiên cứu mới nhằm cạnh tranh ở tầm quốc tế. Nhiều đại học thậm chí thưởng cho các bài công bố quốc tế của giảng viên.
Bên cạnh hiệu ứng tích cực, "phong trào" này có nguy cơ nảy sinh nhiều biến tướng không mấy lành mạnh. Vài năm trước, MDPI chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Nhưng chỉ hơn một năm qua, cái tên này bỗng trở nên rất "hút hàng". Cộng đồng khoa học đã chỉ ra nhiều nhà khoa học Việt Nam có tới vài chục bài báo trên các tạp chí MDPI trong một thời gian ngắn. Nhiều ý kiến tranh luận, chỉ trích MDPI về "chất lượng tạp chí không cao", giống kiểu "mỳ ăn liền", người đăng bài tiêu tốn tiền bừa bãi. Phe bảo vệ MDPI cũng có lý do riêng, rằng họ phải chi đắt đỏ chẳng qua là muốn bài báo của mình được mở truy cập (thực tế thì Việt Nam không hề bắt các nhà khoa học cần đăng bài truy cập mở), và họ cũng chẳng sai khi đăng bài trên đó - vẫn là các tạp chí phản biện; hay Việt Nam vẫn cần số lượng bài báo khoa học trước khi bàn đến chất lượng.
Các lý lẽ đó không sai, nhưng có phần thiếu thuyết phục. Nếu như vì "danh mục ISI", tại sao nhiều người không đăng bài trên các tạp chí truyền thống uy tín hơn, lại hoàn toàn miễn phí? Cái cớ "xuất bản nhanh" của MDPI cũng chẳng khác gì món mỳ tôm. Nó dễ ăn, lừa vị giác, chống đói ngay lập tức, nhưng nạp vào nhiều thì hại sức khỏe. Còn nếu vì "truy cập mở", có rất nhiều cách rẻ tiền hơn nếu tác giả thành tâm muốn mở công trình của mình cho cộng đồng tham khảo.
Một cách gần đây của nhiều đại học ở châu Âu, khi không muốn trả tiền truy cập mở cho tạp chí, họ chỉ cần chia sẻ với cộng đồng bản thảo bài báo được chấp nhận đăng trước khi được lên khuôn ấn bản. Công chúng sẽ đọc được bài mà không bị vi phạm bản quyền với nhà xuất bản - đơn vị giữ bản quyền sau khi bài báo được in.
Quy luật số lượng trước, chất lượng sau không sai, nhưng việc ào ào chạy theo số lượng chưa chắc đã tạo ra chất lượng cho khoa học Việt Nam trong khi nguy cơ tốn tiền vô ích hoàn toàn hiện hữu. Một số giáo sư người Việt làm việc tại nước ngoài đã gửi thư đến các nhà quản lý khoa học nước nhà cảnh báo về phong trào in bài báo tại "công xưởng in bài" hay các "chợ đen bài báo ma" đang hoành hành tại Trung Quốc và đã bị cộng đồng quốc tế vạch mặt.
Một cách khách quan, chúng ta không thể quy kết việc đăng bài báo trên các tạp chí kiểu MDPI là sai hay vi phạm chuẩn mực khoa học bởi chúng đều là những tạp chí được phản biện theo đúng quy trình xuất bản khoa học đương thời. Nhưng một cách đơn giản, chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm tài chính để đăng bài trên các tạp chí có uy tín, và rất dễ để "mở" công trình của mình mà chẳng tốn nhiều chi phí. Người làm khoa học chọn "truy cập mở" bởi chính họ muốn chia sẻ kết quả mình tạo ra với công chúng chứ không nên chỉ vì muốn được đăng bài báo. Trong điều kiện ngân sách dành cho nghiên cứu còn rất khiêm tốn, việc tài trợ tiền để đăng bài trên các "tạp chí đắt đỏ" nên được xem xét một cách thận trọng.
Ngô Đức Thế