"Có nên cho doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường hàng hóa công?" là câu hỏi được nhắc đến nhiều lần trong sự kiện do Câu lạc bộ Cafe Số và Viện IPS tổ chức chiều nay (21/10). TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, vấn đề này phải nhìn từ khái niệm và động lực tham gia thị trường của các bên. Trong đó, nếu nhìn từ phía tư nhân, ông cho rằng thị trường hàng hóa công đang là "miếng bánh béo bở".
"Nhu cầu về uống cà phê của người dân, sáng có thể có, chiều có thể không. Nhu cầu đi du lịch, năm nay có thể có, năm sau có thể không. Nhưng nhu cầu về điện, về nước sạch thì không thể nay có, mai không. Làm kinh doanh, có một thị trường ổn định, nhu cầu lớn thì đó là cơ hội vàng", TS Dũng nói.
Yếu tố này, theo nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chính là "thương quyền" trong một lĩnh vực kinh doanh, một lợi ích rất lớn với doanh nghiệp trên thị trường hàng hóa công, nhưng hiện tại không chịu bất cứ một khoản chi phí nào. Vì dụ như cuộc khủng hoảng nước sạch của người dân Hà Nội gần đây liên quan đến hoạt động của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, một thực tế là doanh nghiệp này đang lãi rất cao. Trong đó, một yếu tố không thể bỏ qua là tính "độc quyền tự nhiên" cung cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội với hàng trăm nghìn hộ dân.
"Nói là đấu giá, định giá bán nước, nhưng lợi ích lớn nhất là quyền được tiếp cận hàng triệu khách hàng với nhu cầu rất lớn. Điều này đang bị bỏ ngỏ. Bởi thế mà cuộc cạnh tranh với miếng bánh béo bở này là rất khốc liệt", TS Dũng nhận xét.
Trở lại với câu hỏi "có nên cho doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường hàng hóa công", ông Dũng cho rằng, đây là vấn đề gây tranh cãi ở rất nhiều quốc gia, không riêng tại Việt Nam.
So về hiệu suất hoạt động, theo ông Dũng, rõ ràng doanh nghiệp tư nhân có nhiều ưu thế hơn doanh nghiệp nhà nước, quy trình hoạt động đơn giản hơn, ít khâu trung gian hơn, quyền lực tập trung. Tuy nhiên, khác với việc nhà nước cung cấp dịch vụ công, doanh nghiệp tư nhận chịu áp lực về lợi nhuận. Và điều này dẫn tới rủi ro, các doanh nghiệp có thể bỏ qua nhiều yếu tố để chạy theo con số lời lãi. Rủi ro này sẽ càng lớn hơn nữa nếu thị trường hàng hóa công không tạo ra được sự cạnh tranh về chất lượng.
"Chúng ta cho tư nhân cung cấp một số dịch vụ công, nhưng lại không tạo ra một thị trường có sự cạnh tranh được về chất lượng, trong khi mục đích của họ vẫn là lợi nhuận. Điều này sẽ trở thành một rủi ro rất lớn khi yếu tố chất lượng bị bỏ xuống hàng dưới", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói và cảnh báo, cuộc khủng hoàng nước sạch có thể lặp lại nhiều lần, ở nhiều loại hình khác nếu không khắc phục được điều này.
Trước nguy cơ này, một giải pháp được ông Dũng nói đến là cần thành lập những cơ quan chuyên trách để ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về hàng hóa, dịch vụ công, không chỉ riêng cho lĩnh vực nước sạch mà còn nhiều lĩnh vực khác.
"Tại sao ở nhiều nước lại có những cơ quan chuyên trách về thực phẩm, có thể ban hành những quy chuẩn mà không cần thông qua quốc hội, bởi vì những quy phạm về kỹ thuật phải do những đơn vị có khả năng ban hành. Quốc hội làm sao biết thế nào là nước đủ sạch để ban hành những quy chuẩn kỹ thuật. Nếu chúng ta cái gì cũng đẩy lên Quốc hội thì sẽ ách tắc. Chúng ta phải có những thiết chế riêng để ban hành những quy chuẩn, cái này là kỹ thuật, không phải một vấn đề đa số", ông Dũng nói.
Minh Sơn