Bà Nguyễn Bảo Linh - Đồng sáng lập kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển của Go-Viet cho biết từ 20/11, ứng dụng gọi xe này chính thức thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn với tên gọi Go-Food.
Theo đó, Go-Food tích hợp ngay trên ứng dụng Go-Viet. Sau khi đặt món, tài xế Go-Viet gần nhất sẽ nhận đơn hàng và liên hệ xác nhận với người dùng trong vòng vài phút. Khách hàng có thể theo dõi vị trí của tài xế và tình trạng đơn hàng trên ứng dụng.
Để chuẩn bị cho lần ra mắt này, đại diện ứng dụng cho biết đã hợp tác với hàng chục nghìn đối tác ăn uống trên toàn quốc, từ tiệm ăn bình dân, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đến các nhà hàng sang trọng. Sau khi thử nghiệm tại TP HCM, dịch vụ sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Thị trường giao đồ ăn nhanh có thêm Go-Food.
Các chuyên gia đánh giá, Go-Food là bước đi phù hợp trong mục tiêu trở thành siêu ứng dụng của Go-Viet nhưng cũng đầy mạo hiểm trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường gọi món trực tuyến ở Việt Nam hiện tại có giá trị khoảng 33 triệu USD và có thể vượt 38 triệu USD vào năm 2020.
Tỷ lệ người dùng dịch vụ đặt món cũng tăng nhanh dù mới chỉ giới hạn ở khu vực thành thị, nơi tập trung lượng dân văn phòng lớn. Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2017 mới chỉ có 30% số người dân thành thị sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến tại Hà Nội và TP HCM nhưng con số này đã lên tới hơn 70% trong 6 tháng đầu năm.
Dù vậy, lượng người chơi nhảy vào ngày càng nhiều khiến miếng bánh dành cho mỗi nhà cung cấp có thể bị co hẹp, thậm chí bị đào thải như Foodpanda. Ngoài những cái tên như Delivery Now, Vietnamm, Eat, Chonmon..., Lala cũng là cái tên mới xuất hiện vài tháng gần đây và nay là Go-Food.
Không ít đơn vị vừa thành lập đã phải bỏ cuộc chơi do gặp nhiều khó khăn về xây dựng, quản lý đội ngũ giao hàng hay biên lợi nhuận không cao.
Nhiều chuyên gia dự đoán, cạnh tranh trên thị trường gọi món cũng sẽ khốc liệt không kém cuộc chiến dịch vụ gọi xe trong thời gian qua và chỉ những ai đủ tiềm lực thì mới có thể trụ lại.
Dù vậy, tân binh Go-Food cho biết họ không mấy lo lắng. "Dịch vụ giao thức ăn Go-Food tại thị trường Indonesia là một trong những dịch vụ giao nhận thức ăn lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc). Với hậu thuẫn về công nghệ của Go-Jek cùng sự am hiểu thị trường của đội ngũ Go-Viet, dịch vụ này sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của các tín đồ ẩm thực Việt", bà Linh cho hay.
Theo đó, với sự hậu thuẫn của Go-Jek, Go-Viet vẫn kỳ vọng trở thành một "siêu ứng dụng" với nhiều dịch vụ liên quan khác và giao đồ ăn sẽ là một thành phần của hệ sinh thái.
Một trong những bước đi mới nhất để chinh phục khách hàng của Go-Viet là công bố hợp tác với nam ca sĩ, nhạc sĩ Sơn Tùng M-TP trong vai trò Đại sứ thương hiệu. Theo đại diện doanh nghiệp, hình ảnh của nam ca sĩ tương đồng với tinh thần kinh doanh mà Go-Viet hướng đến.
Hình ảnh Sơn Tùng M-TP sẽ xuất hiện trong tất cả chiến dịch quảng bá của các dịch vụ của Go-Viet như dịch vụ gọi xe công nghệ hai bánh (Go-Bike), dịch vụ giao thức ăn nhanh (Go-Food) và những những dịch vụ sắp ra mắt trong thời gian tới.
Huệ Chi
Sơn Tùng được chọn làm Đại sứ thương hiệu của Go-Viet. Tải app GO-FOOD tại đây.