Phim dựa trên câu chuyện có thật của một bệnh nhân ung thư máu, được kê đơn điều trị bằng thuốc đắt tiền. Sau một thời gian tốn kém, bệnh nhân Lu Yong tìm cách mua thuốc generic giá rẻ từ Ấn Độ về uống. Thuốc không tốt bằng biệt dược gốc của châu Âu, nhưng tác dụng tương tự và quan trọng là ít tiền. Lu cũng mua thuốc về cho những người đồng cảnh bệnh tật như anh, nên bị bắt vì tội buôn lậu.
Bộ phim gây được tiếng vang lớn suốt năm 2018 với khán giả Trung Quốc, nơi nhiều loại thuốc ung thư có giá quá cao so với thu nhập của các gia đình trung bình.
Hàng năm, Trung Quốc có 4,3 triệu ca mắc mới và 2,8 triệu ca tử vong vì ung thư. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ dưới 30%, chưa bằng một nửa tại Mỹ, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of Cancer. Dù 95% người dân Trung Quốc tham gia bảo hiểm y tế công cộng, bảo hiểm chỉ tập trung chi trả các dịch vụ y tế cơ bản, không bao gồm nhiều loại thuốc hoặc liệu pháp điều trị ung thư. Điều này tạo ra gánh nặng tài chính lớn với nhiều gia đình có người thân mắc ung thư, nhiều hộ rơi vào cảnh nghèo khó sau một thời gian điều trị bệnh.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều năm đàm phán với các công ty dược nước ngoài và vận động giảm giá thuốc song không thành công. Một trong những nguyên nhân là thu nhập của các bệnh viện phụ thuộc vào tổng giá trị thuốc mà họ kê đơn, theo các nhà phân tích.
Trước đó, ông Lý đã cố gắng chủ động hạ giá thuốc nhập khẩu, tổ chức một cuộc họp Hội đồng Nhà nước tháng 4/2018 để thảo luận về vấn đề này. Một tháng sau, chính phủ bãi bỏ thuế nhập khẩu với thuốc ung thư, thuế giá trị gia tăng giảm từ 17 xuống 3%.
Cuộc họp thứ hai diễn ra tháng 6/2018, ra quyết định tăng tốc quá trình phê duyệt nhập khẩu thuốc vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Nhưng chỉ tới khi bộ phim "Chết để Hồi sinh" làm mưa làm gió tại các rạp phim, trở thành chủ đề thảo luận khắp Trung Quốc, vấn đề này mới một lần nữa tạo ra làn sóng nhận thức rộng rãi trong cộng đồng, nhiều người lên tiếng thúc giục chính phủ hành động.
Hai tuần sau khi phim ra mắt, Thủ tướng Lý Khắc Cường sau khi cân nhắc đã thúc giục các cơ quan quản lý "tăng tốc cắt giảm giá thuốc ung thư" và "giảm gánh nặng cho các gia đình".
Đầu tháng này, Cơ quan Giám sát Y tế cho biết vừa đưa thêm 70 loại thuốc vào danh mục được chi trả và giảm giá, chủ yếu là thuốc chống ung thư và nhiễm khuẩn. Điều này có được sau hàng loạt cuộc đàm phán với các hãng dược lớn.
Trung Quốc là thị trường dược phẩm tăng tốc nhanh nhất thế giới và lớn thứ nhì thế giới, theo Moody's. Tổng giá trị thuốc nhập khẩu vào nước này năm 2018 là 137 tỷ USD.
Đại gia dược Pfizer (Mỹ) quyết định giảm 10,2% giá hơn 12 loại thuốc tại Trung Quốc, trong đó có thuốc chữa ung thư thận, ung thư phổi. Xian-Janssen Pharmaceutical, công ty liên doanh của Trung Quốc và Johnson & Johnson, cũng giảm 51,6% giá thuốc ung thư máu.
Một người đàn ông tên Lin, ngoài 30 tuổi, sống tại Quảng Châu, chia sẻ ông đã dùng thuốc kháng virus điều trị viêm gan trong nhiều năm.
"Giống những bệnh nhân ung thư dùng liệu pháp trúng đích, tôi từng phải trả rất nhiều tiền để mua những thuốc nhập khẩu loại tốt", Lin nói. "Nhờ thuế giảm, nhiều thuốc mới được bảo hiểm chi trả, tôi nay chỉ phải trả hơn 100 tệ (340.000 đồng) mỗi tháng, thay vì 800 tệ (2,7 triệu đồng) như trước đây".
Lin cho rằng sự bất mãn lan rộng trong hàng chục nghìn bệnh nhân trên cả nước đã buộc chính phủ làm điều gì đó giải quyết vấn đề. Song, các chuyên gia cảnh báo rằng các bệnh nhân không nên quá kỳ vọng những nỗ lực này mang lại kết quả đáng kể ngay lập tức.
"Đừng mong chờ giá thuốc ung thư sẽ giảm trong thời gian ngắn", Zhang Lufa, phó phòng quan hệ quốc tế Đại học Giao Thông Thượng Hải, cho hay. "Giải quyết vấn đề này cần một dự án có hệ thống và liên quan đến lợi ích từ nhiều bên".
Theo ông, một vấn đề cố hữu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, không chỉ liên quan riêng tới thuốc ung thư, là các bác sĩ có xu hướng kê đơn thuốc đắt tiền.
"Trong hệ thống hiện tại, các bệnh viện ở Trung Quốc dựa vào việc bán thuốc để duy trì hoạt động. Dù phần lớn là bệnh viện công, họ chỉ nhận được khoảng 10% số tiền cần thiết từ chính phủ.
Sau một chương trình thí điểm, năm 2017, các bệnh viện công của Trung Quốc không còn được đẩy giá thuốc lên 15%. Mức đội giá này nhằm giúp bệnh viện có khoảng 30% thu nhập, nhưng gây ra tranh cãi kịch liệt trong xã hội.
Động thái trên cũng không làm thay đổi sự ưu tiên của bệnh viện đối với các loại thuốc đắt tiền, giáo sư Zhu Hengpeng, giám đốc trung tâm chính sách cộng đồng tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói. Một số bệnh viện còn tránh mua thuốc khi giá giảm.
Thậm chí sau khi giá thuốc đã được giảm và được thêm vào danh sách được chi trả, bệnh nhân từ các tỉnh khác nhau vẫn phải tự trả những khoản tiền khác nhau, tùy thuộc vào mức độ giàu có của khu vực họ sinh sống và số phần trăm tiền thuốc được bảo hiểm trả.
"Sau khi nhiều loại thuốc ung thư hơn được đua vào chương trình bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm sẽ bị áp lực tài chính", ông Zhang nói. "Tôi được biết, quỹ bảo hiểm y tế của một số thành phố đã bị thâm hụt".
Lê Hằng (Theo SCMP)