Jensen, 59 tuổi, từ chức thị trưởng Copenhagen hôm 19/10, khi phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo quét qua Đan Mạch trong những tuần gần đây khiến làn sóng cáo buộc nhắm vào ông ngày càng gia tăng.
Jensen bị hai phụ nữ cáo buộc đã đụng chạm cơ thể không phù hợp năm 2012 và 2017. Thủ lĩnh một nhóm thanh niên của đảng Dân chủ Xã hội hôm 18/10 cho biết bà đã nhận được thông tin từ 8 người từng bị Jensen quấy rối hoặc chứng kiến hành vi quấy rối của ông này.
Jensen làm thị trưởng thành phố 11 năm, được đảng Dân chủ Xã hội ủng hộ để tiếp tục giữ vị trí này, nhưng quyết định từ chức trước áp lực ngày càng lớn. Ông cũng từ chức phó chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội, vị trí mà ông đảm nhiệm từ năm 2015.
"Giờ tôi phải sống với những điều tiếng này. Nó sẽ phủ bóng mọi công việc chính trị mà tôi muốn thực hiện. Đó là lý do tôi quyết định từ chức thị trưởng", ông nói trong cuộc họp báo hôm 19/10.
Trong những tuần gần đây, hàng nghìn phụ nữ đã lên tiếng tố cáo bị phân biệt giới tính và quấy rối tình dục ở Đan Mạch, nơi thường được coi là pháo đài bình đẳng giới.
Hồi đầu tháng, lãnh đạo đảng Tự do Xã hội Morten Ostergaard đã từ chức sau khi có thông tin cáo buộc ông từng đặt tay lên đùi một nữ đồng nghiệp 10 năm trước.
Năm 2017, một cuộc thảo luận công khai đã mở ra tại Đan Mạch khi phong trào #MeToo khuyến khích phụ nữ toàn thế giới lên tiếng về trải nghiệm bị phân biệt đối xử và tấn công tình dục. Tuy nhiên, thái độ của người Đan Mạch không mấy thay đổi.
Vấn đề này tiếp tục trở thành tâm điểm thảo luận ở Đan Mạch vào cuối tháng 8, khi người dẫn chương trình nổi tiếng Sofie Linde khiến người xem truyền hình choáng váng khi kể trên sóng trực tiếp rằng một giám đốc điều hành cấp cao của đài từng đề nghị cô "đổi tình lấy thăng tiến sự nghiệp" 12 năm trước.
"Không thể bào chữa cho hành vi quấy rối và xâm hại. Chúng ta phải cùng nhau tạo ra một nền văn hóa không chấp nhận điều này. Không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 19/10 kêu gọi.
Hồng Hạnh (Theo AFP)