Theo báo cáo do Allied Market Research công bố, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đạt 0,71 tỷ USD vào 2021 và dự kiến thu về 4,88 tỷ USD vào 2030, tốc độ tăng trưởng kép CAGR là 24,1% từ 2022-2030. Báo cáo đưa ra phân tích chi tiết về xu hướng thay đổi của thị trường, phân khúc khách hàng, bối cảnh khu vực và các kịch bản cạnh tranh.
Theo đó, các động lực chính của thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam là sự phát triển và mở rộng của thương mại điện tử, thương mại quốc tế đồng thời dịch vụ chuyển phát B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) tăng trưởng. Dịch vụ chuyển phát nhanh B2C tại Việt Nam mở rộng trong thời kỳ thương mại điện tử và các hoạt động bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư mạnh mẽ cho logistics cùng với sự phát triển của số hóa và các phương tiện giao hàng tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới cho thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam.
Tuy nhiên, chi phí vận hành cao và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được sự phát triển sẽ là mối đe dọa cho việc mở rộng thị trường.
Báo cáo của Allied Market Research phân tích các chỉ số về thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam dựa trên tính ứng dụng, mục đích, điểm đến và khu vực.
Dựa trên ứng dụng, thị trường được phân thành 2 nhóm gồm: B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp tới khách hàng). Cụ thể, phân khúc B2C chiếm thị phần lớn nhất vào năm 2021. Trong khoảng thời gian dự báo từ 2022 đến 2030, phân khúc B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) cũng được dự báo sẽ đạt CAGR cao nhất gần 25,4%.
Theo báo cáo, thị trường chuyển phát nhanh dựa trên mục đích sử dụng cuối cùng được chia thành nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truyền thông xã hội, dịch vụ tài liệu... Trong đó, phân khúc nền tảng thương mại điện tử chiếm thị phần lớn nhất vào năm 2021, đóng góp khoảng 4/5 thị phần chung của thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam. Tuy nhiên, mảng dịch vụ tài liệu được dự đoán sẽ ghi nhận tăng trưởng cao nhất khoảng 25,9% trong giai đoạn dự báo.
Trên cơ sở điểm đến, nó được phân loại thành nội địa và quốc tế. Phân khúc nội địa đóng góp thị phần lớn nhất vào thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam. Bên cạnh đó, phân khúc quốc tế được thiết lập để đạt CAGR cao nhất khoảng 25,7% trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2030.
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn thế giới bị chững lại. Covid-19 đã có những tác động kinh tế nghiêm trọng đến ngành dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam. Đại dịch đã gây ra sự sụt giảm của dịch vụ chuyển thư, bưu kiện tài liệu, khiến dịch vụ chuyển phát nhanh B2B bị ảnh hưởng và ngừng hoạt động, nhưng nó cũng giúp B2C nổi lên, do sự phát triển nhanh chóng của ngành bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử.
Chuyển phát nhanh là hình thức vận chuyển nhanh nhất liên quan việc vận chuyển nhiều loại hàng hóa và sản phẩm thông qua các phương tiện khác nhau như đường hàng không, đường thủy và đường bộ. Khách hàng sử dụng dịch vụ này phải trả thêm phí vận chuyển do thời gian nhận hàng được rút ngắn. Ở hình thức vận chuyển hỏa tốc, giá cả và cước phí cũng cao hơn so với các hình thức vận chuyển khác.
Hồng Thảo (theo GlobalNewswire)