Các doanh nghiệp ở Hong Kong đang chạy đua sáng tạo sản phẩm đồ ăn cho thú cưng. Joe Sun, giám đốc marketing của thương hiệu Favour, cho biết công ty sản xuất tới 70 loại thức ăn chế biến sẵn, cùng nước sốt, súp, tinh chất do các chuyên gia thú y Trung Quốc phát triển.
Theo ông Sun, sự dịch chuyển thị trường này liên quan đến truyền thống duy trì sức khỏe bằng các bài thuốc của người Trung Quốc, hướng đến mục tiêu phát triển các sản phẩm cho thú cưng lớn tuổi hoặc có vấn đề về sức khỏe.
"Chúng tôi từng sản xuất các loại thức ăn bằng thịt bò, gà hoặc cá, nhưng hiện còn mở rộng sang dùng thịt cừu, nai, đà điểu, gà gô, ếch", ông Sun nói, tiết lộ sản phẩm bán chạy nhất của công ty là súp cá sấu kèm thảo dược trị ho, được cho là có thể cải thiện các vấn đề về khí quản thường gặp ở chó mèo.
Khảo sát năm 2019 cho thấy 242.000 người dân Hong Kong, tức gần 10% dân số đặc khu, nuôi chó, mèo hoặc cả hai. Trong đó có 103.000 người nuôi mèo.
Hồi đầu tháng, Hội chợ Mèo Hong Kong đã khảo sát khoảng 1.000 người nuôi mèo. Kết quả cho thấy 88% số người được hỏi đã tăng chi tiêu nuôi mèo. Mức chi trung bình một tháng là 250 USD. Khoảng 10% số người nuôi mèo chi 450-500 USD một tháng.
Jennifer Cheung Lay-fan, 34 tuổi, và chồng làm công việc nuôi, gây giống mèo. Họ nuôi 28 con mèo, chi gần 2.000 USD mỗi tháng cho thức ăn. Lay-fan thường nấu thịt gà tươi mua từ chợ, làm nước cốt gà cho đàn mèo ăn, kèm bóng cá và tổ yến.
"Tôi chưa tính toán tổng số tiền nuôi đàn mèo. Ngoài 2.000 USD chi phí đồ ăn, chúng tôi còn chi tiền cho đồ chơi và thiết bị khử trùng cao cấp", cô nói.
Cheung cho biết hai vợ chồng chịu áp lực từ gia đình trong việc sinh con, nhưng khẳng định "nhìn đàn mèo đón mừng mỗi khi về nhà là đủ hạnh phúc".
Vợ chồng Miyaki Ng, 27 tuổi và Fox Cheng, 30 tuổi, chi khoảng 4-500 USD mỗi tháng cho 11 con mèo. Hai vợ chồng mua thịt chế biến sẵn, bán theo gói đông lạnh. Mèo có thể ăn liền ngay sau khi rã đông thịt.
Emma Hung, 30 tuổi, nhân viên bảo hiểm, chi 130 USD nuôi hai con mèo mỗi tháng. "Một trong hai con có vấn đề về mũi, nên tôi cần mua thuốc cũng như vitamic C bổ sung", Hung nói. "Tôi không thực sự muốn có con, nên tôi nghĩ khoản tiền này là hợp lý. Sinh con cần nhiều trách nhiệm, em bé cần chăm sóc 24/24".
Shirley Shu Sut-ling, quản lý Hội chợ Mèo Hong Kong, ước tính giá trị kinh tế của ngành công nghiệp nuôi mèo ở đặc khu có thể đạt 24 triệu USD mỗi tháng, 280 triệu USD mỗi năm.
Hội chợ hồi đầu tháng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, quảng cáo và bán các mặt hàng thức ăn cho mèo, trong đó có Cheese n Dash, chào bán thịt khô từ kangaroo, cá sấu, đà điểu cùng các mặt hàng thực phẩm bổ sung như bột gan bò, gan nai.
Vicent Kant, chủ sở hữu Cheese n Dash, cho biết công ty đang chuyển hướng tập trung vào thị trường mèo trong hai năm gần đây. "Thị trường cho mèo ít bão hòa hơn thị trường cho chó. Xu hướng đa dạng hóa sản phẩm cho mèo đang gia tăng".
Hội chợ còn thu hút Joywood Asia, doanh nghiệp ban đầu chuyên về các sản phẩm cho trẻ em ở Hong Kong, gần đây mở rộng sang thị trường thú cưng sau khi nhận thấy nhu cầu lớn.
Giám đốc Ivy Lau cho biết hiện công ty là nhà phân phối của 4 thương hiệu sản phẩm làm sạch, chăm sóc lông, da, thiết bị tắm và thực phẩm bổ sung cho thú cưng.
"Không như trước đây, người Hong Kong hiện coi thú cưng như con cái trong nhà. Họ biết lựa chọn những sản phẩm tốt cho chúng", bà nói.
Đức Trung (Theo Yahoo News)