Bán lẻ phục hồi theo kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phục hồi, bán lẻ trở thành lĩnh vực nhận nhiều kỳ vọng tăng trưởng. Tổng cục Thống kê cho biết, dù không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng quy mô của thị trường này đã tăng thêm hơn 11 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như những năm qua, hai năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.
Trong một báo cáo, Vietnam Report cũng khẳng định tâm lý tiêu dùng của người dân đã dần ổn định sau giai đoạn cao điểm chống dịch. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD đang đưa khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm, trở thành tiền đề tốt cho sự phục hồi sức mua của người tiêu dùng.
Điều này vốn thể hiện rõ ngay sau những đợt giãn cách, khi lượng khách hàng tham quan, mua sắm dần ổn định trong giai đoạn "bình thường mới". Vincom ghi nhận lượt khách đạt 80-90% trong giai đoạn Tết nguyên đán 2021 so với năm 2019.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, lý giải: "Không giống sản xuất phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng không và du lịch phụ thuộc vào sự mở cửa của các nước, ngành bán lẻ chắc chắn sẽ phục hồi nhanh hơn vì phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày và nhu cầu không thay đổi của người dân".
Vị này cũng cho rằng, lối sống của người Việt với thói quen sử dụng thực phẩm tươi, văn hóa chuộng giao lưu và sở thích mua sắm hàng hóa trực tiếp là những đòn bẩy cho thị trường. Ngay sau khi xã hội trở lại trạng thái "bình thường mới", từ hàng phở, quán cà phê cho đến các trung tâm thương mại lớn đều chật kín người ăn uống và mua sắm, theo ông, điều này cho thấy tốc độ phục hồi và triển vọng của ngành bán lẻ thời gian tới.
Cuộc "đổ bộ" của thương hiệu ngoại
Sự hiện diện ngày một dày đặc của những thương hiệu quốc tế lớn cũng là biểu hiện của nét khởi sắc ở thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, hãng thời trang đến từ Nhật Bản Uniqlo vừa khai trương cửa hàng thứ 7 tại Việt Nam chỉ sau 14 tháng gia nhập thị trường. Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO của Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo lúc bấy giờ đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn và sẽ là "một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới".
Không chỉ quan tâm hai đô thị đặc biệt, các thương hiệu ngoại quốc hiện đã điểm danh tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hạ Long... vốn là "mảnh đất" ít người khai phá. Đơn cử, H&M đã mở hai cửa hàng tại Hạ Long và Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng của chuỗi thời trang nhanh này tại Việt Nam lên con số 11. Dải đất hình chữ S trở thành một trong số ít thị trường H&M vẫn mở rộng trong khi dự kiến đóng 250 cửa hàng trên toàn cầu từ cuối năm ngoái đến năm 2021, theo CNN.
Biểu hiện rõ nét hơn cho điểm sáng của ngành bán lẻ Việt Nam còn là sự có mặt của các thương hiệu xa xỉ. Năm qua, Louis Vuitton và Christian Dior đã mở thêm cửa hàng flagship tại Hà Nội. Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, hai thương hiệu cao cấp trên đã đặt niềm tin vào phân khúc hàng xa xỉ của Việt Nam trong bối cảnh thị trường bán lẻ toàn cầu đầy khó khăn. Dưới góc nhìn của ông, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy tiềm năng tăng tưởng và phát triển lâu dài của thị trường gần trăm triệu dân.
Trước làn sóng "đổ bộ" của các thương hiệu quốc tế, nguồn cung bất động sản bán lẻ cũng nhanh chóng gia tăng để đáp ứng. Trong đó, mô hình trung tâm thương mại có quy mô lớn, theo hướng "tất cả trong một" ở khu vực vùng ven để tiếp cận tập khách hàng mới là hướng đi mới.
Bất động sản bán lẻ vẫn là một thị trường bỏ ngỏ. Nhưng theo ThS. Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam, trong cuộc đua giữa của các "đại gia" vừa nội vừa ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tuy mạnh về công nghệ và quản trị nhưng mức độ am hiểu người tiêu dùng Việt lại không bằng doanh nghiệp trong nước.
Tất Đạt