Dự án Burj al Basas. Video: Guardian.
Những cảnh quay từ trên cao về Burj al Basas, dự án phát triển nhà ở cao cấp gần Mudurnu, ngôi làng nằm giữa Istanbul và Ankara, là tín hiệu cảnh báo những tập đoàn phát triển bất động sản đang vay nợ để phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Guardian.
Dự án bị bỏ dở năm ngoái, sau khi công ty bất động sản Sarot phá sản. Tương lai của 300 lâu đài mini xây dựng theo phong cách Disney với chi phí xây dựng 200 triệu USD hiện chưa rõ. Dự án khởi công năm 2014, với mục tiêu là nhà nghỉ dưỡng cho những khách du lịch giàu có vùng Vịnh.
Tuy nhiên, dự án chỉ bán được vài căn. Mỗi căn giá 496.000 USD. Một số nhà đầu tư rút vốn, Mezher Yerdelen, phó chủ tịch Sarot cho hay. Dự án gồm 732 tòa nhà, bao gồm khu tổ hợp giải trí và tắm hơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, rạp chiếu phim, khu thể thao, trong đó 587 công trình đã hoàn thiện. Công ty đang nợ 26,2 triệu USD.
Ngay từ đầu, người dân vùng Mudurnu đã phản đối dự án này. Họ cho rằng nó không phù hợp với kiến trúc truyền thống trong khu vực, nơi đặc trưng bởi các tòa nhà xây dựng theo lối kiến trúc Byzantine, nhà gỗ kiểu Ottoman và một nhà thờ Hồi giáo 600 tuổi.
Sau khi Burj al Basas khởi công, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra quy định xây dựng mới, yêu cầu thiết kế phải phù hợp với đặc trưng và các di sản ở địa phương. Ở một số vùng, nhà ở phải xây thấp tầng, phù hợp với nhà cửa sẵn có ở khu vực.
Tuy nhiên, Yaşar Adnan Adanalı, nhà nghiên cứu quy hoạch đô thị ở Istanbul, cho rằng đã quá muộn để cứu vãn.
"Tôi lo ngại rằng các dự án như Burj al Basas đã mở ra chiếc hộp Pandora", ông nói. "Sau dự án, khắp nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ các dự án không có quy hoạch phù hợp với địa lý và lịch sử của môi trường xung quanh".
Sau khi lên làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan khuyến khích ngành xây dựng phát triển, ca ngợi các công trình lớn là động lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, đồng lira suy yếu khiến nhiều công ty chật vật trả nợ ngoại tệ vay để phát triển dự án, khiến công việc đình trệ, thậm chí phá sản. Bong bóng xây dựng sụp đổ, khiến đất nước đầy các thị trấn ma hay những tòa nhà chọc trời đang xây dở dang.
Atilla Yesilada, nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia của công ty phân tích thị trường GlobalSource, nhận định số phận của Burj al Babas phản ánh sự bất ổn trong ngành xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nó không chỉ phản ánh các công ty phá sản, mà những người liên quan tới ngành công nghiệp này như kiến trúc sư, kỹ thuật viên, công ty sản xuất kính, cũng chịu ảnh hưởng", ông nói.
Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ bớt nhiều tiêu chuẩn đầu tư và tài chính với công dân nước ngoài nhập tịch, với hy vọng tăng gấp đôi vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản lên gần 10 tỷ USD.
Dù chưa rõ bao giờ tình cảnh này được giải quyết, nhưng tập đoàn Sarot hy vọng các nhà đầu tư vùng Vịnh sẽ quay lại vì sự hấp dẫn của tấm hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ và dự án Burj al Basas sẽ tiếp tục hoàn thiện.
"Chúng tôi chỉ cần bán đi 100 căn nữa là đủ trả nợ", Yerdelen bày tỏ. "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua khủng hoảng trong 4 tới 5 tháng nữa, cũng như khánh thành một phần dự án trong năm 2019".