Trong một trang trại ở Nam Phi, hàng trăm con đà điểu vươn chiếc cổ dài, lắc lư bộ lông dưới ánh hoàng hôn. Những đôi chân dài lêu ngêu của chúng làm bụi đất bay lên mù mịt. Có hàng chục trang trại như thế nằm rải rác ở Oudtshoorn, thị trấn phía nam đất nước.
"Cầu chúc những sợi lông vũ luôn ở bên bạn" là dòng chữ chào mừng du khách đến với nơi được gọi là thủ phủ đà điểu thế giới. Từ chổi phủi bụi tới khăn quàng cổ, khoảng 70% sản phẩm làm từ lông đà điểu trên toàn cầu có nguồn gốc từ Nam Phi.
Đa số được sản xuất tại Oudtshoorn, thị trấn vùng Karoo, thung lũng nép mình giữa hai dãy núi chạy dọc bờ biển phía nam Nam Phi, nơi có khí hậu bán hoang mạc thích hợp với nuôi đà điểu.
Từ những ngày đầu thị trấn thành lập, thời trang đã là thị trường chính cho nông dân địa phương. Họ nuôi đà điểu lấy lông, cung cấp cho các cơ sở sản xuất mũ và váy.
"Nếu muốn thấy sản phẩm của chúng tôi, hãy xem Met Gala ở New York", Peter Liebenberg, người đứng đầu phòng lông vũ của công ty Cape Karoo International, nói, nhắc đến sự kiện dạ hội gây quỹ hàng năm của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan với sự tham gia của những ngôi sao nổi tiếng ăn mặc lộng lẫy.
Mọi sản phẩm từ đà điểu đều được tận dụng. Chúng ta có thể thấy điều này khi dạo một vòng quanh thị trấn. Các nhà hàng phục vụ món bít tết đà điểu. Các cửa hàng trưng bày túi da đà điểu, đèn và đồ trang trí hình trứng đà điểu khổng lồ.
Saag Jonker, nông dân 82 tuổi, cho hay trâm cài làm từ sợi gân trên lông đà điểu đang là mốt. Khi nhu cầu về quần áo tham gia các bữa tiệc xa xỉ giảm sút do Covid-19, chổi lông đà điểu đã giúp ngành công nghiệp lông vũ ở Oudtshoorn tiếp tục phát triển.
"Lúc đó mọi người bị hạn chế ra ngoài, chỉ ở trong nhà và ai cũng muốn dọn dẹp", Liebenberg nói.
Vào đầu những năm 1900, lông đà điểu là mặt hàng nguyên liệu thời trang được đánh giá cao, đồng thời là sản phẩm xuất khẩu lớn thứ tư của Nam Phi, với mức giá ngang giá vàng. Hiệp hội nông dân Oudtshoorn từng tặng Hoàng hậu Mary nước Anh một chiếc quạt bằng lông đà điểu trắng.
Nhưng thị trường lông đà điểu sụp đổ ngay khi Thế chiến I làm gián đoạn thương mại hàng hải và ôtô trở thành phương tiện phổ biến.
"Bạn không thể ngồi vào trong xe với chiếc mũ gắn lông đà điểu trên đầu", Liebenberg nói. Nhưng nhu cầu "luôn trở lại", ông nhấn mạnh.
Ngày nay, có khoảng 200 công nhân phân loại, cắt, rửa và nhuộm lông thành hàng trăm màu tại cơ sở chế biến của ông ở Oudtshoorn. Công nhân mặc đồng phục màu hồng may những chiếc khăn choàng lông vũ trong căn phòng trang trí bằng ảnh trong các show diễn thời trang của Paco Rabanne, Jean Paul và Balmain.
Cape Karoo International mỗi năm bán ra khoảng 100 tấn lông vũ, trong đó có hơn một triệu cây chổi phủi bụi và 130.000 m vải trang trí.
Cách đó không xa là trang trại giống đà điểu của Jonker. Tiếng kêu quang quác của hàng trăm con non mới nở át đi tiếng lách tách của vỏ trứng. Một công nhân mở ngăn lồng ấp, gỡ vài mảnh vỏ từ một quả trứng to, để lộ một chiếc mỏ nhỏ và đôi mắt chưa mở hết.
"Tôi trở thành nhà đấu giá lông đà điểu năm 22 hay 23 tuổi. Đó là cách tôi đặt chân vào ngành công nghiệp lông đà điểu. Tôi chưa bao giờ hối hận", Jonker nói.
Công ty của ông là đơn vị tư nhân gây giống, chế biến và tiếp thị đà điểu lớn nhất thế giới, với gần 45.000 con đà điểu được giết mổ mỗi mùa. Sau khi khử trùng, phân loại, phần lông màu trắng và đen có giá trị nhất ở cánh sẽ được bán cho các hãng thời trang cao cấp khắp thế giới.
Khách hàng có thể là những người mặc trang phục biểu diễn trong nhà hát Moulin Rouge ở Paris, tới những người mặc đồ hóa trang trong lễ hội ở Rio de Janeiro.
"Lông đà điểu là sản phẩm tuyệt vời", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)