Sau cuộc chiến năm 1812, Hiệp ước 1818 giữa Anh và Mỹ đặt ra một bài toán nan giải: phân định biên giới giữa Canada và xứ cờ hoa. Để hạn chế tối đa tranh cãi và mập mờ khi vẽ biên giới dựa trên đường phân cách tự nhiên, hai quốc gia đồng thuận với một giải pháp đơn giản hơn: vĩ tuyến 49.
Dù đơn giản, giải pháp này không hề dễ dàng, bởi nó cũng phát sinh vô số vấn đề như thực tế rằng đảo Vancouver bị chia đôi bằng một đường thẳng trong tưởng tượng. Người ta tranh cãi rằng liệu có nên dựa vào vĩ tuyến để chia đôi hòn đảo này, hay cứ để Canada sở hữu toàn bộ phần lãnh thổ đó theo vụ tranh chấp ranh giới Oregon kéo dài suốt thế kỷ 19.
Năm 1846, Tổng thống Mỹ thứ 11 James K. Polk kiến nghị rằng, Vancouver nên là một hòn đảo thuộc hai quốc gia - tức ông chỉ định thêm một phần lãnh thổ cho Mỹ. Dĩ nhiên, người Anh phản đối ý tưởng này. Cuối cùng, đôi bên đồng ý để Canada sở hữu toàn bộ đảo Vancouver, và để quần đảo San Juan về tay Mỹ.
Tưởng như bài toán biên giới đã hoàn toàn được giải quyết, thực tế không hẳn vậy. Bởi kiến thức về địa lý còn hạn chế, cả người Mỹ lẫn Anh thời đó đều không để ý tới bán đảo Tsawwassen. Bán đảo này là nơi chưa từng được khai phá vào thời điểm ấy, nhưng khi người ta biết đến nó thì đã quá trễ.
Ngày nay, tận cùng bán đảo Tsawwassen là thị trấn Mỹ có tên Point Roberts. Con đường duy nhất trên đất liền dẫn tới đây nằm trọn trong xứ sở lá phong. Thị trấn hơn 1.300 người này có một bệnh viện, đồn cảnh sát, đồn cứu hoả, thư viện, bến du thuyền và một trường tiểu học.
Bởi vị trí địa lý độc đáo, cư dân trong vùng cũng có cuộc sống kỳ lạ. Hàng ngày, đông đảo người Canada sống ngay về phía bắc Point Roberts phải vượt biên để đi chợ, đổ xăng - bởi giá cả tại Mỹ rẻ bằng 1/3 nước họ. Không ít thực khách của xứ sở lá phong cũng không ngại xuất ngoại để thưởng thức burger bò tái vừa - thứ không tồn tại ở Vancouver vì luật vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe. Point Roberts còn an toàn đến lạ thường: do an ninh biên giới nghiêm ngặt mà tỷ lệ tội phạm tại thị trấn này thấp hơn so với toàn bang Washington đến ba lần.
Dù cho chất lượng cuộc sống "miễn chê", thị trấn hoàn toàn cách biệt khỏi Mỹ này lại phải đối mặt với những khó khăn không đâu có. Đơn vị hành chính hạt quản lý Point Roberts chậm trễ trong cung cấp cơ sở hạ tầng, đến mức phải tốn hai năm để lắp đặt một chiếc đèn giao thông. Kinh doanh cũng chậm phát triển, trừ mùa hè - khi khách du lịch từ Canada đổ xô đến đây.
Người dân Point Roberts thậm chí còn không có tiệm giày, bác sĩ thú y hay nha sĩ. Thị trấn có một ngôi trường đủ cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Do đó, lũ trẻ phải xuất ngoại để xuyên qua bán đảo Tsawwassen, vòng qua thành phố White Rock của Canada, để cuối cùng lại nhập cảnh ở Blaine, Washington để đi học. Đường đi học hàng ngày của bọn trẻ dài khoảng 40 phút chiều đi, 40 phút chiều về, tổng cộng 4 lần xuất nhập cảnh. Với những học sinh sống ở Point Roberts, xe buýt của trường Trung học Blaine khởi hành từ 6h25 sáng, trước giờ mặt trời mọc suốt phần lớn năm học.
Xét cả ưu lẫn nhược điểm về địa lý, Point Roberts là nơi thú vị. Thị trấn này tồn tại do sai lệch thông tin, nhưng nó cho thấy con người hoàn toàn có thể thích ứng với hoàn cảnh.
Tuy nhiên, một thách thức mới đối với người dân Point Roberts hiện nay là lệnh đóng cửa biên giới kéo dài chưa từng có của cả Mỹ lẫn Canada vì Covid-19. Point Roberts vốn có quan hệ mật thiết với những người bạn láng giềng, nhưng nay phần lớn mọi khách du lịch Canada - nguồn thu đáng kể cho kinh tế địa phương - đều bị cấm vào thị trấn. Thậm chí, chuyện giao đồ ăn tận nhà cho khách ngay trên bán đảo cũng khó khăn với các nhà hàng trong thị trấn, bởi phí vận chuyển quốc tế đắt đỏ.
Người dân Point Roberts giờ chỉ có thể xuất ngoại để đi làm, khám bệnh tại Mỹ và không được phép dừng lại trong lãnh thổ Canada trong suốt hành trình. Những cách còn lại để họ vào đất liền Mỹ là đi tàu thuyền tư nhân, hoặc chuyến bay hai lần một tuần đến Bellingham, Washington với giá vé 135 USD.
Bảo Ngọc (Theo AO)
Xem thêm: Quần đảo của Mỹ suýt về tay Anh vì một con lợn