Ngày 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và triển khai nhiệm vụ kỳ 2 năm học 2013-2014. Lãnh đạo các Sở Giáo dục tích cực góp ý cho dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum Nguyễn Sỹ Thư nhận định, đổi mới thi là cần thiết, làm cơ sở để tác động mạnh đến đổi mới phương pháp dạy và học. Theo ông Thư, thi cử hiện hành chỉ đánh giá học sinh thông qua các môn thi nên phương án thi 4 môn là hợp lý, giảm được áp lực căng thẳng trong thi cử, bảo đảm được việc đánh giá năng lực học sinh và làm cơ sở cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Về vấn đề miễn thi, ông Thư đồng ý năm 2014 chỉ nên miễn cho 20% học sinh. Tuy nhiên, Bộ giao cho các trường quyết định thì sẽ không công bằng vì học sinh khá của trường này có thể chỉ là học sinh trung bình của trường kia. Vì thế, nên giao cho giám đốc sở xây dựng tiêu chí miễn thi cho học sinh của tỉnh, Hội đồng gồm Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn. Điều này sẽ bảo đảm được công bằng, tránh được bệnh thành tích trong miễn thi ở các trường, bảo đảm giám sát đúng.
"Về lâu dài, cần có sự khác nhau về tỷ lệ miễn thi giữa các tỉnh, vì tỉnh khá hơn thì cần được miễn nhiều hơn. Tôi đề nghị dựa vào tỷ lệ học sinh tốt nghiệp khá giỏi trong 3 năm để đưa ra tỷ lệ miễn thi của các tỉnh, thành phố để thể hiện chính xác chất lượng giáo dục giữa các tỉnh", Giám đốc Sở Giáo dục Kon Tum nói.
Đồng ý phương án giảm môn thi nhưng Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM Lê Hồng Sơn cho rằng, lẽ ra phải học tự chọn thì thi mới tự chọn. Ông đề xuất, trong 4 môn thi thì 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ, các tỉnh khó khăn thì được lựa chọn môn thay thế Ngoại ngữ, còn lại là môn tự chọn.
"Nếu quyết định 4 môn, trong đó có một môn tự chọn thì học sinh chỉ phải thi 2 ngày, môn cuối cùng là môn tự chọn", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM đề nghị Bộ cần cân nhắc khống chế tỷ lệ miễn thi 20% bởi đây là vấn đề khó thực hiện. Theo đó, Bộ nên đưa ra các tiêu chuẩn nếu quyết định miễn thi, ví dụ hạnh kiểm phải từ khá trở lên, khuyến khích học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia, các cuộc thi khoa học kỹ thuật.
Cho rằng Ngoại ngữ đang là môn học bắt buộc, các tỉnh đều nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy nên Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Nam đề nghị không nên chuyển thành môn khuyến khích. Năm qua, Quảng Nam chỉ có 2 trường xin thi thay thế môn tiếng Anh, tức là cả tỉnh hiện nay cũng đã ổn định môn này. Do vậy, không đưa Ngoại ngữ vào môn thi sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm triển khai đề án dạy và học Ngoại ngữ trong nhà trường - một công cụ không thể thiếu với học sinh.
Tương tự, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Thái Văn Long cũng kiến nghị 2 môn tự chọn cần có Ngoại ngữ, không nên đưa môn này thành môn khuyến khích vì sẽ kéo dài thêm một ngày thi, khó khăn trong việc công nhận, xếp loại tốt nghiệp.
Còn ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục Thừa Thiên-Huế nhận định, ngành giáo dục đang lấy đổi mới thi cử làm trọng tâm để tạo đột phá chất lượng dạy và học, nếu không thi Ngoại ngữ thì việc học môn này sẽ chùng xuống.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hàng năm Bộ Giáo dục nên quyết luôn 2 môn tự chọn để tránh gây phức tạp cho kỳ thi. Giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa Phạm Thị Hằng giải thích, hàng năm tỉnh có trên 50.000 học sinh thi tốt nghiệp nên thi cử rất căng thẳng, nếu để học sinh tự chọn thì rất khó khăn.
"Mỗi ngày phải tổ chức rất nhiều môn tự chọn, rất dễ xảy ra nhầm lẫn, nếu ở một nơi mà nhầm lẫn ảnh hưởng đến cả nước thì rất lãng phí. Vì vậy, đề nghị 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn do Bộ quyết luôn", bà Hằng nói.
Hoàng Thùy