Tại họp báo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ngày 12/4, Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ban đề án đang cùng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi chương trình tổng thể mới được triển khai. Những người làm hướng tới việc để các trường tự xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh.
"Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo Dục đã khẳng định từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng", ông Thuyết nhấn mạnh.
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Việc đánh giá được thực hiện bằng hình thức định tính, định lượng, thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng cấp quốc gia, cấp địa phương và quốc tế.
Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức; đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do đơn vị kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.
Kỳ thi THPT quốc gia với nội dung xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng được bắt đầu từ năm 2015. Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khi đó khẳng định, kỳ thi sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021.
"Theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Như vậy quy chế thi THPT quốc gia hiện nay sẽ ổn định đến 2021", ông Luận nói.
*Toàn văn dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Quỳnh Trang