Cố vấn Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi - Trần Đình Dũng - cho biết: "Yếu tố chính làm nên thành công của một biểu tượng là khi nhìn vào đó, du khách cảm nhận được hết nét đẹp, ý nghĩa và tầm vóc của Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi - một huyền thoại ở thế kỷ 20 của đất nước".
![]() |
Một góc chiến hào của địa đạo. Ảnh: Cuchitunnel. |
Theo ông Dũng, việc xây dựng biểu tượng đã được cân nhắc và thực hiện song song với các dự án bảo tồn, gìn giữ Địa đạo này từ lâu nay, nhưng chưa một mô hình nào thật sự vừa ý và được chấp nhận. Vì thế, tác phẩm dự thi phải mang tính khái quát cao, nhằm phản ánh đúng giá trị văn hóa, truyền thống chiến đấu lịch sử của dân tộc. Tính ổn định, bền vững của kết cấu, tính khả thi về vật liệu và kỹ thuật xây dựng, tính hài hòa với không gian cảnh quan cũng sẽ được xem xét.
Theo dự kiến của Ban tổ chức, biểu tượng cao khoảng 11 mét, đặt trong khuôn viên có kích thước 7.400 mét vuông. Vị trí đặt biểu tượng sẽ là quảng trường khu vực "Nhà điều hành vùng giải phóng" tại khu di tích. Chủ nhân giải nhất sẽ nhận được phần thưởng trị giá 35 triệu đồng. Hai tác phẩm đạt giải nhì (25 triệu đồng), giải ba (15 triệu đồng) sẽ được trưng bày trong Nhà lưu niệm tại đây.
Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam. Tác phẩm dự thi phải chưa từng trưng bày hoặc tham dự bất kỳ cuộc thi tương tự nào khác và được chấm điểm ở 2 vòng. Thời hạn nhận bài thi là từ ngày 7/4 đến hết 30/7. Dự kiến lễ trao giải sẽ diễn ra vào đúng Lễ hội đền Bến Dược (huyện Củ Chi, TP HCM) 19/12.
Cuộc thi do Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cùng Công ty MoCo phối hợp tổ chức.
Kiến Huy