“Cha tôi bận bịu trên đồng.
Mẹ tôi buôn bán trên sông sớm chiều.
Ngày ngày nhớ các em yêu.
Hàng tre bóng khói cánh diều đơn côi.
Đường quê in bóng một người.
Chậu hoa ngày Tết xinh tươi đứng nhìn.
Xuân về đoàn tụ gia đình.
Bữa cơn ngày Tết đậm tình đoàn viên …
Xuân về hoa nở ngoài hiên.
Ca dao câu đối cỗ truyền ông cha .
Quê hương có mẹ có nhà.
Có nhành mai thắm đơm hoa rực vàng.
Tiếng ai ca cổ ngân vang.
Canh nồi bánh tét tiếng đàn ngủ quên."
Tôi ngậm ngùi đọc lại những câu thơ mà mình đã viết trong những ngày xa quê. Từ dạo ấy đến nay đã gần 30 năm trôi qua, hôm nay, tôi mới có thêm một lần nữa đi dọc quê hương vào những chiều dịu nắng. Con đường xưa ấy trải qua bao tháng năm dù đã phôi pha theo dòng thời gian, nhưng trong ký ức tôi con đường nhỏ hẹp quanh co ấy mãi mãi đem đến một cảm giác đầm ấm dịu êm của một làng quê thanh bình. Mỗi năm cứ vào độ cuối tháng chạp, khi hương lúa mới chớm về. Ánh trăng hạ tuần lờ mờ chiếu qua rặng tre, dưới ánh đèn dầu trong những ngày cuối năm cả nhà quay quần bên chõ xôi, cối nếp… tiếng chày quết bánh phồng cứ thình thịch vang đều khắp chốn làng quê. Cha, chú lưng trần nhuễ nhại mồ hôi, khuôn mặt mẹ ửng hồng dính đầy nước bánh.
Bên manh chiếu cỗ đủ đầy cô, dì, bác mợ, thím chị … người cán, người ép bánh phồng tiếng nói giọng cười râm rang ấm áp xóm làng.
![p7260044-1424018339.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/16/p7260044-1424018339.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QrSuKKGQ1N4TTxWs44mnkA)
Chuỗi ngày làm bánh phồng ấy kéo dài suốt gần hai tuần lễ. Đó như những ngày hội làng được quy tụ về một nơi. Một ngôi nhà của ai đó có đầy đủ phương tiện và có khoảng sân rộng có ánh nắng trải dài chói chan để trải bánh ra phơi… Đó là những hình ảnh thân thương đong đầy trong ký ức tôi. Tất cả điều đó chứa chan đầy ý nghĩa tình làng nghĩa xóm.
Nhớ lại cảnh đầm ấm ấy mà lòng tôi bân khuâng luôn nhớ về ngày Tết Nguyên Đán . Đó là ngày Tết quan trọng nhất của gia đình Việt Nam, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam chúng ta có phong tục hàng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ hàng nghìn cây số vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ tổ tiên, nhìn lại nơi mà một thời ở đó bàn chân bé thơ đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta được sinh ra và cất tiếng khóc chào đời.
![img-3949-1424018042-4708-1424055960.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/16/img-3949-1424018042-4708-1424055960.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RbEc6yVGQ8TfOVwLbHF7rA)
Tết là ngày sinh nhật của “thiên hạ“ của tất cả mọi người, ai cũng được thêm một tuổi vì thế câu nói mở đầu khi gặp nhau là mừng tuổi tức có thêm một tuổi mới. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ “ Bách niên trường thọ" để con cháu được báo hiếu và hưởng phúc.
Thế là bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về trong tôi. Tôi nhớ những lần cùng cha canh nồi bánh tét, cùng mẹ làm bánh in cho đến tận giao thừa …giữa giờ khắc ấy bầu trời như sáng lên và ấm hơn khi mùi hương trầm nhẹ bay hòa quyện cùng hương huệ làm ấm lòng đàn cháu bầy con bên cỗ giao thừa.
![img-3996-1424018133-8592-1424055961.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/16/img-3996-1424018133-8592-1424055961.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=anmL2tUWkS5KysyR3Tk_Mw)
Xin tạm biệt nỗi luyến nhớ của những mùa xuân đã qua - Một thời tuổi trẻ vịn vai mẹ - Tôi bước vào cuối tuổi trung niên trở thành người đứng đắn làm gương cho thế hệ trẻ về cuộc sống mới, đầy hoài niệm và có trách nhiệm với mọi người . Xin cám ơn cuộc đời chân thật, để tôi chân thật giữa cuộc đời tươi đẹp.
Trịnh Văn Thuấn
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". |