Ngày cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh Hà Nội làm bài trong tiết trời mát mẻ. Buổi sáng thi môn Lịch sử, các điểm thi vắng vẻ thí sinh. Tại điểm Đại học Thủy lợi, nhiều em ra khỏi phòng khi mới hết 2/3 thời gian. "Phần hay nhất để học sinh bộc lộ ý kiến là câu cuối cùng, nói về chính sách đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới và người trẻ phải làm gì để phát huy truyền thống đó", thí sinh Phạm Thị Quỳnh đánh giá.
Theo Quỳnh, đại đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh nội lực đưa đất nước phát triển. Người trẻ muốn đóng góp công sức cho khối đại đoàn kết trước hết cần không phân biệt vùng miền, sống hòa đồng, luôn giúp đỡ người xung quanh.
Sáng nay Lạng Sơn trời cũng dịu mát. Nộp bài sớm trước 15 phút, Lê Văn Khánh (điểm thi THPT Việt Bắc) cho biết, đề năm nay khó nhưng hay vì có sự liên hệ thực tiễn trong câu cuối cùng. Thi lại lần 2 với dự định đăng ký vào Học viện Cảnh sát nhân dân, Khánh vui vẻ vì đã làm hết bài.
Thí sinh Hoàng Văn Thiện (THPT Na Dương) đánh giá đề Sử có nhiều câu hỏi mở và dài hơn năm ngoái. Câu 3 và 4 khó lại dài, phải vận dụng hiểu biết cả giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đường lối đổi mới của Đảng ở trong câu 4. "Em làm được khoảng 60%", Thiện tự đánh giá.
Tại Đà Nẵng, chỉ có hơn 700 thí sinh chọn môn Lịch sử để thi đại học hoặc xét tốt nghiệp THPT. Nhiều em chuyên ban C và chọn môn Sử xét điểm đại học nhận định đề vừa sức, trong khi đó những em không chuyên cho rằng đề khó và dài.
Tại hội đồng thi THPT Trần Phú, Văn Oanh cho biết cầm chắc 6 điểm môn Sử. "Câu 1 liên quan đến sử thế giới nếu ôn luyện kỹ có thể làm được 2/3 số điểm. Câu hai tập trung vào trình bày khuynh hướng, dẫn chứng một vài ví dụ, đồng thời vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đối với Cách mạng Việt Nam cũng dễ trình bày", Oanh nói và đánh giá câu phát biểu suy nghĩ về chủ trương thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc rất thú vị, dễ liên hệ thực tiễn.
Trong khi đó, thí sinh Trần Mai Quỳnh, chọn môn Sử làm môn tốt nghiệp, nhận định đề Sử khó và dài. Ngoài một vài câu đầu tập trung vào kiến thức cơ bản, những câu phân loại học sinh đòi hỏi tư duy tổng hợp.
Thí sinh Hà Tĩnh đánh giá đề thi môn Sử.
Sáng nay, có hơn 1.500 thí sinh Hà Tĩnh làm bài thi môn Lịch sử. Theo đánh giá, đề thi tương đối dài, đòi hỏi phải học bao quát toàn bộ chương trình mới có thể giành điểm cao. Nguyễn Đình Nam (học sinh THPT Phan Đình Phùng) cho biết, trong 4 câu thì 2 câu đầu dễ, những câu sau yêu cầu kiến thức mở.
“Câu cuối cùng nói về đoàn kết dân tộc là liên hệ tới thực tế. Em nghĩ thế hệ trẻ ngày nay cần học tập tốt, luôn hết lòng mình vì mọi người, giúp đỡ những người khó khăn, đó cũng là một mặt thể hiện tính đoàn kết”, Nam nói và tự đánh giá được khoảng 7 điểm môn này.
9h30, tại TP HCM, hết 2/3 thời gian thi môn Sử, hàng trăm thí sinh đã rời phòng thi. Tại điểm Đại học Sư phạm TP HCM, Thúy Hạnh (ngụ huyện Bình Chánh) chia sẻ: "Câu hỏi nhỏ thứ hai của câu 3 yêu cầu nêu ý kiến về quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ rất khó. Chiến dịch này em nắm kỹ từ diễn biến đến kết thúc, ý nghĩa nhưng về quyết định mở chiến dịch lại nằm ngoài dự đoán".
Trong khi đó, Thùy Chi (thí sinh ở Bình Chánh) lại cho rằng, ý thứ nhất của câu hỏi 2 về "khuynh hướng cứu nước chủ yếu trong phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX" là khó nhất. "Câu hỏi này đòi hỏi phải có tư duy tổng hợp, phân tích. Trong khi đó, em lại học các sự kiện một cách rời rạc nên không xâu chuỗi được với nhau", Chi nói.
Một vài thí sinh với vẻ mặt căng thẳng than đề khó, chỉ được 5-6 điểm là may mắn. Trong khi đó, những thí sinh giỏi Sử lại khen đề hay và tỏ ra thích thú. Lan Thy (quận 5) cho rằng, đề Sử mới mẻ và hay hơn năm trước khi không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng nhiều mà phải hệ thống được kiến thức. "Câu hỏi về chủ trương đại đoàn kết dân tộc là hay nhất, giúp thí sinh bày tỏ quan điểm cá nhân chứ không đơn thuần là trình bày kiến thức cứng nhắc. Em nghĩ mình sẽ được 8 điểm", Thy tự tin.
Thầy Tống Duy Thủy, Tổ trưởng Tổ Lịch sử trường THPT Thành Nhân, TP HCM, nhận xét đề Sử khá hay, có tính phân hóa cao, cấu trúc đề thi không khác so với năm trước. Hai câu hỏi đầu tiên của đề khá dễ, thí sinh chỉ cần chăm chỉ học bài là có thể đạt 5 điểm. "Hai câu sau có tính phân hóa tốt. Câu 3 yêu cầu thí sinh phải biết phân tích, hệ thống kiến thức", thầy Thủy nói.
Thầy giáo này cũng tỏ ra thích thú với câu hỏi về chủ trương đại đoàn kết dân tộc vì đây là vấn đề hay, đòi hỏi thí sinh ngoài kiến thức cơ bản phải biết liên hệ thực tế. Với các em khá giỏi môn Sử, thầy Thủy dự đoán lấy được 7-8 điểm.
Thầy Nguyễn Văn Khăm, giáo viên môn Sử Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm (thuộc Đại học Cần Thơ) nhận xét: "Nội dung yêu cầu thuộc lòng chỉ 40%; phần còn lại học sinh hiểu và vận dụng kiến thức tiếp thu được trong quá trình học tập và sự hiểu biết từ thực tế. Với mức độ đề này, nhiều em học lực trung bình dễ đạt 5-7 điểm. Số còn lại điểm cao hơn tập trung vào những học sinh khá giỏi và có nhu cầu xét tuyển vào đại học".
Chiều nay thí sinh thi trắc nghiệm môn Sinh, thời gian 90 phút.
Nhóm phóng viên