Ngày 1/8, thí sinh bắt đầu xét tuyển nguyện vọng một. Các em lấy một phiếu điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học để nộp hồ sơ xét tuyển.
Những năm trước, thí sinh có 3 đợt xét tuyển vào các trường đại học và 4 đợt cho bậc cao đẳng. Mỗi bạn được chọn một ngành ở một trường. Hết hạn nộp hồ sơ, thí sinh biết đậu hay rớt khi trường công bố điểm chuẩn. Còn năm nay, áp dụng cách xét tuyển mới nên thí sinh rất lúng túng.
Bùi Thị Tường Vy (trường THPT Bà Điểm, TP HCM) thi 6 môn ở kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, Văn, Anh, Lý, Hóa được điểm cao. "Em chưa hình dung được hồ sơ xét tuyển năm nay sẽ như thế nào. Mỗi trường em được chọn 4 ngành theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, mỗi ngành em được chọn một khối thi hay 4 ngành phải chọn một tổ hợp để xét tuyển", Vy nói.
Tương tự, Lê Minh Công (trường THPT Quang Trung, Tây Ninh) cũng đang băn khoăn cách ghi hồ sơ xét tuyển. "Một trường được chọn 4 ngành nhưng nếu ngành đó mình không thích thì có phải ghi vào hồ sơ hay không? Nếu không ghi đủ 4 ngành trên phiếu đăng ký xét tuyển thì có phạm quy không. Em phải mua hồ sơ ở đâu để xét tuyển", Công cho biết.
Giải đáp thắc mắc của thí sinh, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP HCM, cho biết để nộp hồ sơ năm nay, thí sinh phải hiểu rõ việc xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng. Nếu không, các em sẽ khó trúng tuyển vào bất cứ trường nào hoặc không được học trường, ngành yêu thích.
Khi có kết quả thi, mỗi thí sinh sẽ được nhận 4 phiếu điểm. Trong đó có một phiếu xét nguyện vọng một và 3 phiếu cho các nguyện vọng bổ sung. Mỗi nguyện vọng, thí sinh được xét tuyển tối đa 4 ngành cùng một trường, theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian quy định, thí sinh được phép thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để nộp vào các trường khác. Khi trúng tuyển, các nguyện vọng bổ sung sẽ không còn giá trị. Nếu thí sinh đậu vị trí ưu tiên số một thì không được xét các ưu tiên còn lại.
Nếu rớt nguyện vọng một, thí sinh dùng 3 phiếu điểm còn lại nộp vào 3 trường ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Mỗi trường, thí sinh cũng được đăng ký 4 ngành giống như nguyện vọng một. Nghĩa là trong đợt xét tuyển này, thí sinh có thể đăng ký tới 12 ngành của 3 trường. Nếu rớt, thí sinh rút 3 phiếu điểm đã nộp và tiếp tục xét tuyển như lần trước.
Việc nộp hồ sơ xét tuyển năm nay khác những năm trước, thí sinh đến trường đại học sẽ được cung cấp phiếu đăng ký xét tuyển để điền tên ngành, tổ hợp xét tuyển. Các em sẽ căn cứ vào thông báo tuyển sinh của trường để ghi tổ hợp xét tuyển. Năm nay, mỗi ngành sẽ có từ 3-4 khối thi. Thí sinh ghi hết 4 nguyện vọng hoặc chỉ ghi một nguyện vọng.
Mùa tuyển sinh năm nay có nhiều biến động nên các trường đưa ra mức điểm nhận hồ sơ bằng ngưỡng xét tuyển của Bộ. Nếu thí sinh thi 3 môn được 15 điểm thì không nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường Đại học Bách khoa hay Khoa học Tự nhiên của Đại học Quốc gia TP HCM hay Đại học Luật TP HCM...
"Thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn của trường định nộp hồ sơ ở các năm trước. Nếu thấy điểm của mình cao hơn 1-2 điểm thì hãy nộp", ông Cường nói.
Chuyên viên tuyển sinh của Bộ Giáo dục cũng cho rằng, thí sinh không nên vào đại học bằng mọi giá. Rất nhiều em học cao đẳng, trung cấp vẫn thành đạt. Khi chọn nghề, các em cần lưu ý những nghề mà quê mình có thể ứng dụng được như cơ khí, nông lâm ngư... chứ không nên đổ xô vào nhóm ngành kinh tế.
Nguyễn Duy