Sáng 27/6, thí sinh thi THPT quốc gia làm bài tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 561.000 thí sinh lựa chọn tổ hợp này để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Dùng môn thành phần của tổ hợp Khoa học xã hội để xét tuyển vào Đại học Luật TP HCM, Nguyễn Tăng Minh Trang (thí sinh quận 1, TP HCM) tự tin với buổi thi cuối cùng. Thế mạnh của em là Giáo dục công dân với kiến thức về pháp luật, quyền và nghĩa vụ công dân, được cập nhật liên tục từ sách báo, thời sự.
"Trong ba môn, khó nhất là Lịch sử, em phải học qua sơ đồ tư duy cho dễ nhớ. Riêng Địa lý thì nhẹ nhàng, sử dụng Atlat là có thể làm được hầu hết câu hỏi", Trang chia sẻ.
Tham khảo đề Lịch sử năm 2018 và đề tham khảo, Lê Phạm Hoàng Duy (quận Bình Thạnh, TP HCM) nhận xét đề khó, đề cập nhiều mảng kiến thức, đòi hỏi suy luận. Để làm tốt Lịch sử, thí sinh phải biết hệ thống hóa diễn biến lịch sử, nhân vật, ý nghĩa sự kiện. "Hiểu sâu thì mới không bị nhầm lẫn giữa sự kiện, chiến dịch này với sự kiện, chiến dịch kia", Duy nói.
Trong khi đó Võ Phước Như Bình (TP HCM) chỉ dùng bài thi Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp nên tỏ ra khá thoải mái trước giờ thi. Môn Văn sử dụng đăng ký xét tuyển ngành Đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM được làm khá tốt nên Bình thêm tự tin.
"Em không đầu tư quá nhiều cho ba môn này, chủ yếu học trên lớp và học thêm kiến thức mới trên mạng. Môn ổn nhất với em là Giáo dục công dân, sợ nhất là Lịch sử, còn Địa lý thì lúc nào cũng nhẹ nhàng", Bình chia sẻ.
Thí sinh bắt đầu làm bài từ 7h35 theo thứ tự Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Mỗi môn 50 phút, nghỉ giữa quãng 10 phút.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong ngày thi thứ hai 26/6 có 18 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế. Ngày thi đầu tiên có 34 em bị kỷ luật, trong đó một em bị khiển trách, ba em bị cảnh cáo, còn lại bị đình chỉ thi.