Đợt thi này, Hà Nội có 11 Hội đồng thi THPT và 7 Hội đồng thi Bổ túc THPT với 254 phòng thi. Mỗi Hội đồng thi sẽ có hai Thanh tra của Sở và 2 Thanh tra của Bộ.
Còn TP HCM có 17 Hội đồng, gần 6.200 thí sinh đăng ký thi, trong đó, gần 2.200 em là học sinh THPT. Theo Trưởng phòng khảo thí Hồ Phú Bạc, công đoạn cho thi đợt này được triển khai nghiêm ngặt như thi đợt 1.
Đến chiều 15/8, nhiều tỉnh phía Nam cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho thi tốt nghiệp lần 2. Phòng ốc đã sẵn sàng, giám thị được huấn luyện xong và Đoàn Thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT cũng đã về đến các địa phương.
Không thể đỗ quá 30%
Vừa qua, Tuyên Quang là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất cả nước (14% học sinh THPT và 0,22% bổ túc THPT). Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận, rất khó để trong chưa đầy 2 tháng có thể bổ sung cho học sinh lượng kiến thức bị “hổng” trong suốt 12 năm. Do chỉ có khoảng 50% thí sinh trượt tốt nghiệp đi học ôn nên Sở tập trung ôn thi cho các em xấp xỉ điểm đỗ ở lần thi thứ nhất.
![]() |
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tháng 6 vừa qua. Ảnh: H.H. |
“Mục tiêu đặt ra lần này là giúp các em đạt điểm tối thiểu đỗ. Nhưng để triệt tiêu quan niệm rằng thi lần 2 là tháo khoán, Sở sẽ cố làm nghiêm để không có em nào bị đình chỉ thi”, ông Ninh khẳng định.
Sở GD&ĐT Tuyên Quang thành lập 27 hội đồng thi tốt nghiệp lần 2 cho hơn 9.000 học sinh THPT và gần 600 học sinh bổ túc THPT. Tuyên Quang có hơn 12.500 thí sinh dự thi lần 1 nhưng chỉ có chừng 1.700 em đỗ. Kinh phí cho kỳ thi lần này là khoảng 700 triệu đồng.
Còn nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ba, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết, học sinh bổ túc đi học ôn thi lần 2 khá ít. Tỉnh này có gần 4.000 thí sinh không đỗ tốt nghiệp THPT. “Các em trượt vốn đã yếu, trong khi thời gian ôn tập 2 tháng là quá ngắn nên tỷ lệ đỗ chắc cũng không cao”, thày Ba băn khoăn.
Là tỉnh có tới 67% học sinh trượt tốt nghiệp nên Hòa Bình đã tìm mọi cách vận động các em tới lớp. Tuy nhiên, theo ông Vũ Phương, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hòa Bình, lúc đầu các em đến trường học rất uể oải, nhưng nay tỷ lệ này cũng đạt khoảng hơn 80% (trong số hơn 8.000 thí sinh trượt). Hòa Bình dự đoán khả năng đỗ tốt nghiệp lần 2 cũng chỉ khoảng 30%.
Ông Trần Quang Đông, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Bình Phước cho biết, phải vận động rất nhiều, các em thi trượt mới đi ôn tập bởi các em này cho rằng, lực học yếu, dù ôn tập cũng chẳng thể đỗ nên không tham gia học. Theo thống kê, Bình Phước có khoảng 30% thí sinh có điểm thi tốt nghiệp ở mức 27-28.
“Người dân có con em đi học mong muốn đề thi đợt này dễ hơn đợt trước để có thêm cơ hội đậu tốt nghiệp. Nếu làm vậy sẽ mất đi ý nghĩa của cuộc vận động “2 không”, đại diện Sở GD&ĐT Bình Phước quyết tâm.
Có chừng 18.000 thí sinh phải thi lần 2, nên trong vòng 2 tháng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã cho thí sinh thi thử tới 5 lần. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiệp, Phó Giám đốc Sở, cho rằng rất khó có thể đạt kết quả tốt, nhất là đối với Hương Khê, huyện có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới mức trung bình của tỉnh, nơi vừa phải hứng chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 2.
Tỉnh Đăk Lăk có 37 Hội đồng thi, với hơn 13.200 học sinh THPT và bổ túc dự thi. Theo Phó giám đốc sở Nguyễn Ngọc Quang, dù đợt lũ vừa qua gây thiệt hại khá nặng nề cho các địa phương nhưng việc chuẩn bị thi vẫn tiến hành tốt, điều kiện phòng ốc và cơ sở vật chất liên quan đủ đảm bảo an toàn.
Toàn tỉnh có khoảng 53% thí sinh THPT và 40% thí sinh Bổ túc chưa đỗ đợt 1 tập trung ôn tại các trường trong kỳ nghỉ hè. "Có thể các em tự ôn ở nhà hoặc những nơi khác. Nhưng qua phản ánh của các trường, dự kiến đợt này có thể được 20-30% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Vì nhìn chung, có nhiều em học lực yếu", ông Quang cho biết.
Gia Lai có 15 Hội đồng thi với gần 5.000 thí sinh. Các hội đồng đều được bố trí ở thị xã, thị trấn, vùng dân cư phát triển, đường đi thuận tiện để các em đi lại dễ dàng, tránh những sự cố ngoài ý muốn do đang mùa mưa lũ. Theo Trưởng phòng khảo thí Lê Duy Định, khó tiên đoán tỷ lệ thí sinh đỗ đợt này nhưng chắc chắn, kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc không khác kỳ 1.
Lúng túng xử lý thí sinh thi trượt lần 2
Dự đoán lượng thí sinh trượt sẽ khá lớn nên ông Ninh cho rằng, nếu thi lần 2 không đỗ, các em có thể ở nhà ôn tập 1 năm, vào 3 trường trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh hoặc đi lao động. Hiện có dự kiến, học sinh trượt tốt nghiệp có thể vào học các trường trung cấp và sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận thêm bằng tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, do mới tách tỉnh nên hiện Hậu Giang không có trường trung cấp chuyên nghiệp và Sở cũng chưa có ý định hướng các em vào học trung cấp. “Mọi năm, một lượng lớn học sinh trượt và đỗ tốt nghiệp đều chuyển sang đi làm kinh tế”, ông Phó giám đốc Sở cho biết.
Theo ông Hiệp, rất khó xử lý những thí sinh không đỗ tốt nghiệp lần 2. “Các em có quyền lưu ban, nhưng nếu để các em lưu ban thì quá tải cho trường học. Hướng giải quyết của tỉnh là sẽ vận động các em tự ôn để năm sau thi tiếp”, ông Hiệp nêu giải pháp.
Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng đề nghị với lãnh đạo tỉnh và Bộ cho các em có nguyện vọng thi tiếp tốt nghiệp được học lại lớp 12. Mặt khác, để giảm sức ép về mặt xã hội, cần cấp cho em chứng chỉ vào các trường dạy nghề.
Cũng giống như Hậu Giang, do mới tách tỉnh nên Bình Phước chưa có hệ thống trường nghề, Trung tâm hướng nghiệp. Do vậy, UBND tỉnh cho phép các em được học dự thính lớp 12 để sang năm thi lại.
Tiến Dũng - Lương Nga