Chiều 24/6, có mặt tại điểm thi trường THPT Kim Liên (Hà Nội) hơn một tiếng trước giờ làm thủ tục dự thi, Nguyễn Thị Kim Anh và Trần Thùy Dung (THPT Đống Đa) nắm chặt tay nhau cho bớt hồi hộp. Dung chia sẻ rất áp lực với kỳ thi "sẽ quyết định tương lai, sự nghiệp". Suốt năm học vừa qua, em miệt mài học trên lớp, đi học thêm 6 buổi/tuần. 2 tháng cuối cùng, lịch học thêm dày đặc.
"Khoảng 5h em thức dậy để ôn những môn cần học thuộc, sau đó đi học trên lớp, học thêm rồi tự học ở nhà đến 1-2h hôm sau. Kỳ thi năm nay đông học sinh nên em rất lo trước lựa chọn đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vì vốn lấy điểm chuẩn cao", Thùy Dung nói.
Dùng khối D để xét tuyển đại học và tổ hợp bài Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp THPT, cựu nữ sinh trường THPT Đống Đa cho biết, đã ôn "không bỏ sót" nội dung kiến thức nào của lớp 12. Tuy nhiên, chương trình lớp 11 em chỉ ôn những phần quan trọng, do nội dung này chỉ chiếm 20% đề.
Mai Hạnh (THPT Quang Trung, Hà Nội) cũng bày tỏ lo lắng trước kỳ thi "quyết định tương lai". Với mục tiêu du học, việc đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia là điều kiện quan trọng để nữ sinh có thể lên đường. Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Mai Hạnh đăng ký thêm bài tổ hợp Khoa học xã hội.
"Em vô cùng lo lắng với môn Lịch sử bởi có quá nhiều dữ liệu cần ghi nhớ. Dù một tuần nay, em tập trung cao độ cho môn thi để xét tốt nghiệp THPT này nhưng vẫn chưa tự tin có thể làm tốt bài thi", Mai Hạnh chia sẻ.
Tại điểm thi THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Thị Tố Như tỏ ra lo lắng hơn nhiều bạn, dù chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT. Trước đó, khi nhận được học bổng du học, nữ sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) tự cho phép bản thân học ít hơn so với các bạn thi để xét tuyển vào đại học trong nước.
Đối với em, kỳ thi THPT quốc gia không quá căng thẳng nhưng đến lúc bước chân vào phòng làm thủ tục, Tố Như lại suy nghĩ khác. "Chính vì học ít hơn các bạn nên gần thời điểm thi em lại thấy lo. Dù vậy, em cũng không thể thôi thúc bản thân phải ôn luyện thêm gì được", Như chia sẻ và tự động viên cố gắng hết sức để đạt kết quả đủ xét tốt nghiệp.
Ở điểm thi THCS Colette (quận 3, TP HCM) dành cho thí sinh tự do, nhiều sĩ tử là tăng ni, người khuyết tật đã có mặt từ sớm. Vừa dò tên mình trên bảng dán danh sách, Bùi Văn Sinh (19 tuổi, quận 3) vừa hồi hộp khi lần thứ hai tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Năm ngoái, Sinh đăng ký nguyện 1 vào Đại học Kinh tế, nhưng không đỗ nên theo học một năm ở đại học khác. Tuy vậy, ước mơ trở thành sinh viên trường Kinh tế vẫn thôi thúc, khiến nam sinh 3 tháng vừa qua đã rất nỗ lực để vừa hoàn thành các bài thi hết kỳ ở đại học, vừa ôn tập thi lại THPT quốc gia.
Đề thi năm nay có một số đổi mới, thêm nội dung chương trình lớp 11, cách thức ra đề và cấu trúc đề ít nhiều thay đổi, do đó Sinh cảm thấy hơi run trước các sĩ tử sinh năm 2000 đã được ôn tập kỹ lưỡng cả năm nay.
Ngược lại, Phạm Thị Phụng My (19 tuổi) với nguyện vọng vào ngành Sư phạm Anh văn của Đại học Sư phạm TP HCM tỏ ra khá tự tin. Một năm trước em học ngành xã hội, nhưng thấy không hợp nên từ sớm đã chủ động ôn thi lại. Đến giờ, kiến thức của nữ sinh đã vững vàng.
Ngồi trên chiếc xe lăn, được bạn khiêng lên phòng thi ở tầng 2 trường THCS Lương Thế Vinh (Ninh Kiều, Cần Thơ), Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khoảng hai tuần trước em bị tai nạn giao thông làm đứt gân chân và gãy vai phải. Để đến điểm thi, nhân mang xe lăn lên taxi đi đến cổng trường rồi lăn vào tìm phòng thi.
Nhân là lính nghĩa vụ công an được hơn 2 năm, làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu tại huyện Phong Điền. Vì muốn tiếp tục ở lại đơn vị nên nhiều tháng qua, chiến sĩ trẻ vừa làm nhiệm vụ, vừa ôn tập cho kỳ thi. Em đăng ký nguyện vọng vào một trường công an với tổ hợp xét tuyển là Ngữ văn, Toán và Lịch sử.
"Vừa làm nhiệm vụ vừa ôn thi nên có chút bất tiện, bù lại em được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện, bạn bè động viên, trợ giúp nên bây giờ kiến thức đã chuẩn bị được kỹ lưỡng, sẵn sàng cho kỳ thi", thí sinh 21 tuổi nói.
Tại điểm thi THPT Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An), thí sinh Dương Xuân Hùng cho rằng, cuộc đời học sinh có hai kỳ thi quan trọng là thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ quyết định tương lai của cuộc đời.
Ước mơ của nam sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Phan Bội Châu là trở thành bác sĩ nên đã đăng ký nguyện vọng vào một đại học y. "Dự đoán năm nay đề thi sẽ khó hơn so với năm trước nên em có chút áp lực dù gia đình cũng luôn động viên và tạo tâm lý thoải mái trước ngày thi. Em đã luyện rất nhiều bộ đề mẫu và đạt số điểm 24-26 điểm”, Hùng nói.
Là dân chuyên Văn, Nguyễn Thị Diệu Hà (TP Vinh) chia sẻ lúc đang đi học và ở nhà thì tự tin, song khi tới làm thủ tục dự thi thấy không khí rộn ràng, tâm trạng nhiều người lo lắng nên em cũng có chút áp lực.
Với mong muốn kỳ thi diễn ra tốt đẹp, bản thân đạt kết quả cao, nhiều thí sinh sau khi hoàn thành thủ tục dự thi đã ra thắp hương trước tượng cụ Phan Bội Châu ở khuôn viên sân trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Sáng 25/6, kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu với môn thi đầu tiên là Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều, các sĩ tử thi môn Toán trắc nghiệm trong thời gian 90 phút.
Kỳ thi THPT quốc gia, cả nước có 925.790 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 60.000 so với năm trước. Trong đó, 642.370 thí sinh đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các đại học, cao đẳng. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp. Giống năm ngoái, năm nay mỗi địa phương có một cụm thi, do Sở Giáo dục chủ trì với sự phối hợp của các đại học. Thí sinh không phải di chuyển xa để dự thi. |