Rời phòng thi trưa 25/2, Thảo Nguyên, học sinh trường THPT Hiệp Bình, thấy phấn khích. Nữ sinh cho biết đề có cấu trúc quen thuộc, gồm hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thời gian làm bài 120 phút.
Phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh bàn luận việc bước ra khỏi lối mòn, thông qua một trong ba tình huống: suy nghĩ khác khi đánh giá sự tiến bộ; đánh giá vẻ đẹp tự nhiên và tác động của trí tuệ nhân tạo đến đời sống con người.
Phần nghị luận văn học trích một đoạn trong bài thơ "Nguồn gốc từ ngữ" của Xuân Quỳnh, yêu cầu thí sinh phân tích nét đặc sắc về nghệ thuật, nội dung, qua đó trả lời câu hỏi: "phải chăng giá trị thực sự của văn chương là giúp con người thoát ra khỏi lối mòn".
Thảo Nguyên đánh giá chủ đề này gần gũi với học trò, gợi cho em nhiều suy nghĩ, liên tưởng nên viết một mạch 12 trang giấy.
"Đề vừa thời sự, vừa gắn với tâm tư người trẻ nên em có nhiều cảm hứng làm bài. Em chọn câu chuyện tác động của trí tuệ nhân tạo để bàn luận vì từng có trải nghiệm với ChatGPT", Nguyên nói.

Học sinh trường THPT Phước Long sau giờ thi môn Văn, sáng 25/2. Ảnh: Lệ Nguyễn
Minh Nghi, học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám, thì nói về "thoát khỏi lối mòn" khi đánh giá sự tiến bộ.
"Thường mọi người hay nhìn nhận sự tiến bộ ở những kết quả vượt trội. Nhưng em cho rằng chỉ cần ngày hôm nay tốt hơn hôm qua đã là sự tiến bộ rồi", Nghi chia sẻ.
Minh Nghi cho rằng câu nghị luận văn học khó để thí sinh dẫn dắt từ văn chương đến đời thực, đòi hỏi phải có nhiều trải nghiệm mới có thể làm tốt.
Lần thứ hai dự thi học sinh giỏi cấp thành phố, Thiên Khang, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, đánh giá đề có tính phân hóa cao, nhiều "đất" để học sinh bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, chủ đề rộng cũng khiến thí sinh dễ rơi vào lan man mà không có dẫn chứng, lập luận thuyết phục, nhất là phần nghị luận văn học.
"Nếu thời gian dài hơn, em vẫn còn nhiều điều muốn thể hiện. Cái khó của đề này là phải viết gói gọn cho kịp thời gian 120 phút", Khang nhận định.
Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 diễn ra sáng 25/2 với gần 7.000 thí sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xếp giải từ điểm cao xuống thấp, với những em đạt từ 10/20 điểm trở lên. Tỷ lệ đạt giải không quá 60% số học sinh tham gia, riêng giải nhất không quá 5%.
Học sinh đoạt giải nhất cấp thành phố sẽ được thưởng 12 triệu đồng. Năm ngoái, khoảng 2.000 em đạt giải trong tổng số hơn 4.700 thí sinh tham gia.
Lệ Nguyễn