Đề thi cao đẳng môn Văn | Gợi ý làm bài thi |
Sáng 16/7, thí sinh các khối A, A1, B, C, D làm bài thi cuối cùng của đợt thi cao đẳng. Đề Văn cao đẳng 2013 được thí sinh đánh giá là khá hay, các em có thể phóng bút viết thoải mái.
Tại điểm ĐH Sư phạm Hà Nội, hết 2/3 thời gian nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Có em khoe làm bài xong khi mới hết khoảng nửa thời gian và phải đợi 45 phút mới được ra ngoài. Vũ Thị Anh (Vĩnh Phúc) cho biết đề không khó. Câu hay nhất là nghị luận xã hội yêu cầu bàn luận về ý kiến: "Khi mắc lỗi người tử tế sẵn sàng nhận lỗi. Còn người ti tiện sẵn sàng đổ lỗi".
Anh cho rằng, đây là ý kiến rất thực tế với cuộc sống và em hào hứng viết liền 3 trang giấy. "Em thi vào CĐ Sư phạm Trung ương, trước đó là Học viện Báo chí Tuyên truyền. Em nghĩ mình sẽ không phải học cao đẳng", Anh tâm sự.
Tại TP HCM, rời điểm thi trường CĐ Bách Việt (quận Phú Nhuận), thí sinh bàn luận khá sôi nổi về câu nghị luận xã hội người tử tế và kẻ ti tiện. Nhiều thí sinh lấy làm thú vị với câu hỏi này, vì mỗi người có thể đưa ra ý kiến riêng.
Thí sinh Trần Thị Mỹ Linh thi khối D, cho biết với câu hỏi này, trước hết em giải thích hai khái niệm thế nào là người tử tế, thế nào là người ti tiện, sau đó mới phân tích. Cá nhân Linh cho rằng câu nói này đúng, nhưng ở một khía cạnh nào đó người biết nhận lỗi chưa chắc đã tốt, người không biết nhận lỗi cũng chưa chắc đã xấu hoàn toàn.
“Nhiều người có thể vì cái tôi của mình quá lớn, đề cao lòng tự trọng nên khi mắc lỗi không dám nhận, nhưng cũng có những người trong một hoàn cảnh nào đó họ không thể nhận lỗi được. Với nhận định này, ngoài việc phê phán những người có lỗi chúng ta cũng phải biết thông cảm cho họ trong những hoàn cảnh đặc biệt nào đó”, Linh nói.
Còn hai bạn Thái Châu và Mỹ Duyên cho rằng đề Văn vừa sức, phần kiến thức rải từ lớp 11 đến lớp 12 nên bạn nào học “tủ” sẽ gặp khó khăn. Riêng câu về cảm nhận tình yêu trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh khiến nhiều thí sinh gặp khó khăn vì… không thuộc hết bài thơ. Còn câu về “Những đứa con trong gia đình” lại giúp nhiều bạn vớt điểm vì bài này thuộc chương trình học kỳ 2 của lớp 12, kiến thức khá mới, lại được ôn tập kỹ.
Nhóm giáo viên của Trung tâm Ôn thi trực tuyến Onthi.net.vn nhận định, đề thi Văn bám sát chương trình sách giáo khoa và định hướng của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, đề cũng mang tính giáo dục cao ở câu hỏi nghị luận xã hội. Câu này không chỉ kiểm tra năng lực tư duy mà một lần nữa giúp học sinh ý thức hơn về vấn đề đạo đức, lối sống, nhân cách.
“Đề không quá khó nhưng để đạt điểm cao thì thí sinh phải nắm vững những kỹ năng làm văn nghị luận cơ bản, nắm chắc các chi tiết quan trọng đề thi yêu cầu”, nhóm giáo viên cho hay.
Thí sinh khối A, A1 kết thúc kỳ thi cao đẳng với 90 phút làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý. Tại CĐ Xây dựng (Thanh Xuân, Hà Nội), thí sinh Nguyễn Hữu Toàn (Hà Nam) ra về với nét mặt tươi tắn vì đề thi Lý khá dễ.
"Đề chỉ ra vào kiến thức cơ bản, thầy cô đã cho luyện. Em tự tin mình được 8 điểm trở lên. Em tính Hóa được 5 điểm, Toán chưa chắc chắn nhưng có khả năng đỗ vì năm ngoái CĐ Xây dựng lấy 16 điểm", Toàn nói.
Thí sinh khối B hoàn tất kỳ thi với bài trắc nghiệm môn Sinh. Ở điểm thi ĐH Thủy lợi, em Nguyễn Thị Lan (Bắc Giang) cho biết đề không khó nhưng dài. Thi vào khoa Hộ sinh của một trường cao đẳng, năm ngoái lấy 21 điểm nên Lan cảm thấy khá lo lắng.
Theo Bộ GD&ĐT, trong đợt thi thứ 3, có 39 thí sinh bị kỷ luật, trong đó 35 em bị đình chỉ thi và 4 em bị khiển trách. 5 cán bộ bị xử lý.
Thí sinh các môn năng khiếu tiếp tục hoàn tất các môn thi theo lịch của từng trường.
Nhóm phóng viên