Mới đây, người ta vừa phát hiện ra một cuốn sổ bọc da của nhà thơ. 169 cụm từ được ghi trong đó là những câu hội thoại đơn giản bằng tiếng Hy Lạp. Chàng lãng tử nước Anh đã chuẩn bị sẵn những lời có cánh như "Anh yêu em bằng tất cả trái tim mình" để tán tỉnh các cô gái ở xứ sở thần thoại khi lần đầu tiên sang đất nước này du hý.
Cuốn sổ được Byron chia ra thành nhiều nội dung. Trong chủ đề "Các cách biểu lộ tình yêu dịu dàng", nhà thơ đã dịch sang tiếng Hy Lạp những từ như: "Trái tim của tôi", "Tình yêu của tôi", "Linh hồn tôi", "Đời tôi"... Bên cạnh thói phong tình của một kẻ đào hoa, nhà thơ cũng không quên bỏ túi một số câu thông dụng dành cho khách du lịch như: "Thưa ngài, xin làm ơn giúp tôi", "Làm ơn mang cho tôi ít thức ăn", "Đã ba ngày kể từ khi tôi ăn...".
Nhà thơ Lord Byron. |
Đấy chỉ là một trong những phương diện thể hiện bản tính đa tình của thi sĩ. Sở hữu khả năng ngôn ngữ thiên phú và gương mặt đẹp, Byron có sức hấp dẫn kỳ lạ với cả người cùng giới. Sau một lần gặp gỡ Byron ở La Scala, Italy vào 1816, nhà văn Pháp Stendhal phát biểu: "Tôi bị ấn tượng bởi đôi mắt của anh ấy. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái gì đẹp và biểu cảm hơn thế". Đúng như nhận xét của Stendhal, không biết bao nhiêu phụ nữ đã ngã vào đôi mắt man mác buồn và những lời đường mật của thi nhân.
Nếu không tính đến những mối tình gió thoảng với các cô hàng xóm ở tuổi hoa niên thì tai tiếng trong cuộc sống riêng tư của Byron bắt đầu nổi lên từ 1812, khi ông có cuộc tình với Lady Caroline Lamb - tiểu thuyết gia, vợ của tử tước William Lamb. Mối quan hệ diễn ra khá ngắn ngủi, Byron chủ động chia tay, nhưng Caroline không bao giờ quên được nhà thơ. Bà theo đuổi ông ngay cả khi ông đã chán nản, mệt mỏi vì bà. Caroline bị tổn thương và đau khổ đến độ sụt cân một cách chóng vánh. Nhà thơ nhẫn tâm phải than phiền với mẹ chồng của Caroline rằng: "Tôi đang bị một bộ xương săn đuổi". Về sau, người phụ nữ quý tộc cay đắng thừa nhận rằng, Byron là một kẻ "rất điên rồ, rất tồi tệ, rất nguy hiểm để quen biết".
Khi còn nhỏ, Byron khá gắn bó với Augusta Leigh - chị cùng cha khác mẹ của ông. Mối quan hệ này về sau trở thành tình ái và là vụ loạn luận nổi tiếng lúc bấy giờ. Từ năm 1811, Augusta sống ly thân với chồng nhưng đến tháng 4/1814, Augusta vẫn sinh hạ một bé gái tên là Elizabeth Medora Leigh. Sự vui mừng quá mức của Byron khi đón nhận đứa trẻ này đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng, nhà thơ chính là cha đẻ của Elizabeth.
Byron và Caroline. |
Sau rất nhiều những cuộc tình gió thoảng trong nước, Byron ra nước ngoài, phần để đi chơi, phần để né tránh những lời chỉ trích sắc nhọn chĩa vào đời sống riêng tư của ông. "Thứ đức hạnh duy nhất mà người ta tán tụng ở Anh là thói đạo đức giả", nhà thơ viết cho một người bạn trước khi rời bỏ quê hương sang Thụy Sĩ, Hy Lạp, Italy. Tại Geneva, Byron kết thân với nhà thơ Percy Bysshe Shelley và vợ tương lai của Shelley là Mary Godwin. Qua Mary, Byron làm quen với em gái khác cha của cô là Claire Clairmont. Nhà thơ sát gái không mấy mất công mất sức để chiếm được trái tim của cô gái. Trong thời gian ở Venice, Byron còn tự hào thừa nhận rằng, ông có hàng tá phụ nữ khác nhau trong 200 đêm liên tiếp. Byron không chịu cưới hỏi Claire nhưng đứa con của hai người - Clara Allegra - vẫn ra đời vào năm 1817 tại London. Byron tàn nhẫn bỏ rơi Clara tại một tu viện. Đứa trẻ chết năm 1822 vì bị sốt.
Tất nhiên, đó không phải là tất cả những phụ nữ đã đi qua đời Byron. Ngoài những mối tình với người khác giới, nhà thơ còn có những chuyện tình đồng giới lén lút khác.
Cuộc đời lắm chiến tích tình trường của Byron đã gợi cảm hứng cho nhiều nhà văn sáng tác. Trong cuốn tiểu thuyết mới ra mắt A Quiet Adjustment, Benjamin Markovits miêu tả mối quan hệ giữa nhà thơ với vợ và chị gái rằng: Một buổi tối, Byron ngồi cạnh Augusta còn Anne ngồi vào lòng ông. Nhà thơ lần lượt, hôn người này xong lại quay sang hôn người kia rồi nói như một đứa trẻ: "Cái này cho em này, còn cái này cho em nhá".
Tất nhiên, đó chỉ là tiểu thuyết.
(Nguồn: Tổng hợp)